Doanh nghiệp mong được tăng sức đề kháng

Khắc Kiên (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Mặc dù trong thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng của Covid-19 là rất tích cực, để giúp DN khắc phục những khó khăn, vực dậy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cộng đồng các DN vẫn mong muốn các chính sách hỗ trợ phải sát thực với những giải pháp cụ thể hơn.
Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sơn Hà Nhữ Văn Hoan: Cần tiếp tục thực hiện các gói kích cầu trong giai đoạn kinh tế phục hồi

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đối với những DN không có phương án dự phòng, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh doanh. Nhiều DN đã phải giải thể, đóng cửa ngưng sản xuất. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan T.Ư, TP Hà Nội đã triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để DN tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa, hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tăng cường chuyển đổi số và xúc tiến thương mại…
 Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sơn Hà Nhữ Văn Hoan.
Trong đó, đáng chú ý là các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế cho DN; chính sách giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất, kinh doanh, hay chính sách miễn, giảm lãi, phí theo từng quy định của tổ chức tín dụng... Các giải pháp trên vừa là ứng phó cấp bách, vừa mang tính căn cơ lâu dài, nhằm giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, quay trở lại đường ray phát triển, hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai.
Muốn vậy cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất dài hạn hơn. Chẳng hạn, Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi; các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa DN trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt.

Đối với Sơn Hà, gặp phải không ít khó khăn do dịch như: Thị trường xuất khẩu bị hạn chế, một số sản phẩm kinh doanh không đạt kỳ vọng. Nhưng xét về tổng thể, các ngành nghề Sơn Hà vẫn có kết quả kinh doanh đạt, hoặc vượt kế hoạch đề ra nhờ chiến lược kịp thời từ lãnh đạo. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực, ngành mới được Sơn Hà đầu tư và phát triển về điện mặt trời áp mái FreeSolar, xử lý nước thải và cung cấp nước sạch,…

Trong bối cảnh Covid-19, thị trường xuất khẩu tạm thời đóng băng, các hình thức giao thương với quốc tế gặp nhiều hạn chế, Sơn Hà đã nhanh chóng đưa ra quyết định dịch chuyển chiến lược kinh doanh bằng việc tập trung mở rộng mạng lưới kinh doanh tại phân khúc thị trường nội địa. Nếu như trước đây, tập đoàn tập trung 70% vào thị trường xuất khẩu, 30% thị trường nội địa thì trong bối cảnh mới, chúng tôi tập trung toàn lực cho thị trường trong nước. Với phương châm “Người Việt dùng hàng Việt” nhằm cung cấp các sản phẩm ưu việt nhất với giá thành cạnh tranh nhất phục vụ người dân Việt Nam. Đến nay, sản phẩm của công ty đã được phủ khắp toàn quốc thông qua hệ thống nhà phân phối.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm BSH Lê Hoài Nam: Mong sớm hoàn thiện khung pháp lý bảo hiểm online

Năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều DN lao đao, phải thay đổi, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. DN bảo hiểm phi nhân thọ cũng không phải là ngoại lệ.
 Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm BSH Lê Hoài Nam
Tuy nhiên, BSH đã nhanh chóng có những giải pháp để ứng phó với dịch bệnh như: Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ trụ sở chính đến các đơn vị thành viên, ban hành sổ tay ứng phó khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho cán bộ - công nhân viên và kịp thời có những chỉ đạo điều hành sát sao trong hoạt động kinh doanh.
Với những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, BSH đều có những chính sách hỗ trợ người lao động để đảm bảo an toàn cho bản thân, khách hàng, đồng thời duy trì thu nhập ổn định.

Nhờ những chính sách và hành động kịp thời, BSH vẫn duy trì đà phát triển, mở rộng đại lý, nâng cấp các trung tâm kinh doanh lên thành công ty. Năm 2020, BSH đã thành lập, nâng cấp 6 công ty, nâng tổng số công ty thành viên của BSH lên 48 đơn vị, cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, trải rộng từ miền Bắc vào Nam.
Bên cạnh đó, BSH cũng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới sáng tạo, triển khai trên kênh online dựa trên nhu cầu thực tiễn của khách hàng. Năm 2020, BSH đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng CyberGuard. Đây là sản phẩm lần đầu tiên có trên thị trường Việt Nam, bảo vệ các rủi ro phổ biến với người dùng internet trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tìm hướng đi mới, khác biệt so với các công ty khác trên thị trường là chiến lược của BSH trong thời gian vừa qua.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là rất kịp thời. Tuy nhiên, dưới góc độ DN, BSH mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm trên kênh online, qua đó sẽ giúp các đơn vị bảo hiểm dễ dàng triển khai các sản phẩm phân phối trên nền tảng này.
Ngoài ra, tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật sẽ tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19. Và đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của DN.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương: Mong chính sách đi vào thực tế nhanh hơn

Là DN chuyên sản xuất truyền thống và công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm Phở tươi và Phở khô Hà Thành chất lượng và an toàn cho sức khỏe cộng đồng, tôi nhận thấy, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tài sản trí tuệ đối với một DN còn non trẻ như Song Phương được xem là tài sản lớn, hữu ích và là sức sống của DN.
 Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương.
Dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát, kinh tế càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt các DN nhỏ và vừa càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Do đó, rất mong TP Hà Nội có giải pháp để hỗ trợ các DN và người dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm bằng cách tạo điều kiện và hướng dẫn cho các DN đăng ký xin cấp bảo hộ thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm một cách nhanh nhất, hiệu quả cao đúng với quy trình và pháp luật bảo hộ. Điều đó giúp DN tránh bị đánh cắp bản quyền và hàng giả hàng nhái.
Tôi mong rằng, khi DN làm thủ tục theo đúng quy định thì cơ quan quản lý có thể xem xét, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện cho DN hoạt động, sản xuất kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh...
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách tập trung, tạo hành lang ưu tiên các gói hỗ trợ vốn để các DN tiệm cận duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm bão dịch hiện nay. Nới lỏng, tạo điều kiện, hỗ trợ các thủ tục hành chính để DN có điều kiện phát triển. Đồng thời, có chính sách chỉ đạo thực tế, sát sao hơn với DN; kiến nghị chính sách và biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đối với DN; tiếp tục miễn giảm, giãn hoãn thuế của Nhà nước đối với DN.

Đồng thời, mong chính sách hỗ trợ mặt bằng kinh doanh cho DN; Chính phủ, Thành phố tăng cường hỗ trợ hoạt động phân phối tiêu thụ sản phẩm của các DN tham gia chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Làm sao để DN “đầu tàu” kéo các toa DN còn nhỏ cùng phát triển. Muốn vậy, các chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước đi vào thực tế nhanh hơn, kịp thời và sát sao hơn để các DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần