Doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương nhất

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN nhỏ và vừa (DNNVV) dễ bị tổn thương nhất, trong khi tỷ lệ thua lỗ của DN Nhà nước luôn là thấp nhất xét về số lượng, nhưng về giá trị thua lỗ thì khu vực DN này luôn gánh những khoản khổng lồ.

Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016/2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 21/4 cho thấy, khu vực DNNVV vẫn dễ bị tổn thương nhất khi tỷ lệ thua lỗ cao nhất. Xét theo loại hình DN, 3 loại hình kinh doanh có tỷ lệ thua lỗ trên 50% là công ty hợp danh (64,1%); công ty cổ phần (53,4%), công ty TNHH (51,7%).
Ảnh minh họa.
Đây là điều đáng lo ngại khi mà 2 trong 3 loại hình DN này đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Điều đó cũng lý giải một phần nguyên nhân khiến hơn 73.000 DN đã phải ngừng hoạt động và giải thể trong năm 2016. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, cần có giải pháp hỗ trợ cho đội ngũ DNNVV, nhất là về quản trị công ty để nâng cao “sức khỏe” cho DN. Bên cạnh đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có tỷ lệ DN thua lỗ cao, có những thời điểm lên đến 51,2% năm 2008 hay 49,8% năm 2009. Tuy nhiên, các DN này vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, điều này đặt ra vấn đề chuyển giá.
Trong 3 khu vực DN, tỷ lệ thua lỗ của các DN Nhà nước luôn thấp nhất, dưới 15% trong giai đoạn 2007 - 2010, sau đó tăng lên trong 4 năm gần dây, lên mức 17,5% năm 2015. Nguyên nhân là bởi so với DN FDI và DN ngoài Nhà nước, các DN Nhà nước có nhiều lợi thế và ưu đãi, chi phí bỏ ra ít hơn, chẳng hạn như chi phí liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh, nên hạch toán có lãi nhiều hơn so với các DN khác. Tuy nhiên, Báo cáo khẳng định, tỷ lệ thua lỗ trên đây là xét về số lượng DN, còn về giá trị thua lỗ thì các DN Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty luôn có những khoản thua lỗ khổng lồ.
Được xuất bản bắt đầu từ năm 2006, Báo cáo thường niên DN Việt Nam là chuỗi báo cáo được Viện Phát triển DN - thuộc VCCI thực hiện hàng năm, là một trong những tài liệu quan trọng giúp các DN và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình phát triển của DN Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ cho việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.
Ngoài việc đánh giá môi trường kinh doanh, đánh giá năng lực của DN, Báo cáo còn đi sâu phân tích thực trạng hoạt động của DN theo chủ đề lựa chọn của mỗi năm.
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với mức 6,68% của năm 2015 và chưa đạt được mục tiêu 6,7% đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cũng như nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng này có thể coi là đáng khích lệ. Ngoài ra, năm 2016 còn ghi nhận số lượng DN đăng ký thành lập đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, với 110.100 DN mới.