Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Gian nan tìm vốn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn trong việc tiếp cận vốn là câu chuyện muôn thuở của DN, nó kìm hãm sản xuất, đặc biệt là sự phát triển của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) - đối tượng chiếm tỷ lệ gần 97% số DN Việt Nam.

Làm thế nào để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh ổn định đang là băn khoăn của nhiều DNNVV.
Chật vật tìm vốn
Tiếp xúc đến 7 ngân hàng mà không vay được vốn, đến khi DN phải thế chấp bằng chính máy móc, thiết bị thì lại bị ngân hàng định giá trị thế chấp rất thấp, tài sản định giá 1 tỷ  đồng nhưng cho vay chỉ 150 triệu đồng. Đây là chia sẻ của chủ một DNNVV khi có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, đại diện một số ngân hàng khi được hỏi đều thừa nhận cũng ngại nhận tài sản thế chấp là máy móc hoặc cho vay nhưng định giá rất thấp. Nhiều ngân hàng cho vay tín chấp, đáp ứng nhu cầu vay vốn rất lớn của DN, song để vay được nguồn vốn này cũng không dễ dàng.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Đồng Phát, khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.   Ảnh: Danh Lam

Ngoài ngân hàng, trước đây còn có một “cửa” mà DNNVV có thể tìm đến là Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, hai năm nay, quỹ này hoạt động kém hiệu quả do sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh. Đồng thời, quy định bảo lãnh của các quỹ này cũng tương tự như các ngân hàng, yêu cầu DNNVV phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản bảo đảm…
Trước những vướng mắc trên, nhóm nghiên cứu Đại học Sao đỏ đã đưa ra các đề xuất tháo gỡ. Cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn, đề nghị cơ quan quản lý xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các NHTM thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình DN này. Đặc biệt, nên khuyến khích NHTM kết hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng để đưa ra chính sách cho vay phù hợp đối với các DNNVV. Hiện nay, các quỹ này đều thuộc sở hữu của Nhà nước, nên khi cho vay, rủi ro đối với các ngân hàng cũng được hạn chế đáng kể.
Giám đốc Đầu tư cao cấp của Quỹ đầu tư DFJ - VinaCapital Hoàng Đức Trung cho rằng, trong khi chờ ngân hàng có sự thay đổi trong cách đánh giá và thẩm định DN, Nhà nước nên mở rộng quỹ đầu tư mạo hiểm với chuẩn cho vay riêng để DN có cơ hội tham gia hoặc NH quốc doanh mua bảo hiểm các khoản cho vay đối với DNNVV. “Ở các nước, quỹ tín dụng vi mô cho cá nhân không cần thế chấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu muốn thật sự tháo gỡ khó khăn cho DN” - ông Trung đề xuất.
Tìm vốn trên sàn chứng khoán có dễ?
Theo TS Cấn Văn Lực, DNNVV tiếp cận nguồn vốn ở các nguồn khác nhau chứ không chỉ ở vốn tín dụng ngân hàng. Đó là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, giảm thuế…); nguồn vốn nước ngoài; huy động vốn, tín dụng từ đối tác; vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu và nguồn vốn tự có. Trên thực tế, một thị trường giao dịch chứng khoán dành riêng cho DN khởi nghiệp, DNNVV đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hối thúc nhanh chóng hình thành.
Trên thế giới, một số nước đã phát triển các sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho đối tượng này. Ông Ta Huyn Noh - Giám đốc thị trường KONEX, thuộc thị trường chứng khoán Hàn Quốc cho biết, từ năm 2013 sàn giao dịch dành cho DNNVV, DN khởi nghiệp của Hàn Quốc được hình thành lúc đầu chỉ có 21 DNNVV mới thành lập niêm yết cổ phiếu, nhưng đến nay đã có hơn 119 DN với tổng vốn khoảng 4,1 tỷ USD.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đánh giá, thực tế với các điều kiện pháp lý hiện hành như Luật DNNVV đã được xây dựng, sàn giao dịch phục vụ cho DN nhỏ UPCoM đang hoạt động và Bộ KH&ĐT đang soạn thảo nghị định về quỹ mạo hiểm, Việt Nam hoàn toàn có nền tảng thúc đẩy hình thành sàn giao dịch chứng khoán dành cho DN khởi nghiệp, DNNVV, tạo cơ chế, điều kiện hút vốn. DN muốn lên sàn cần có những báo cáo tài chính minh bạch, được kiểm toán độc lập, nhưng cần có quy định riêng, các điều kiện niêm yết tương đối thấp, nghĩa vụ công bố thông tin, tài chính... không quá khắt khe.
“Vì quỹ đầu tư tư nhân không có chuyện bắt đền nếu thất bại nên DN phải tìm hiểu “khẩu vị”, sở thích, lĩnh vực của từng quỹ để gõ cửa cho phù hợp. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị để thuyết phục những quỹ này”.
Giám đốc Đầu tư cao cấp của Quỹ đầu tư DFJ - VinaCapital
 Hoàng Đức Trung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần