Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn, vì đâu nên nỗi?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng vẫn còn những DN kêu khó tiếp cận vốn.

Đến thời điểm này, dư nợ tín dụng đối với DNNVV toàn hệ thống là 1 triệu 470 nghìn tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Số liệu được đưa NHNN đưa ra Tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV" tổ chức chiều 7/8.
Diễn đàn ''Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV'' tổ chức chiều 7/8
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Việt Nam chia sẻ, mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Theo Chủ tịch VCCI, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả 3 nhà. “Thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan, thứ hai là nhà băng và các thiết chế tài chính, thứ ba các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thât sự khơi nguồn cho đầu tư. “Thời đại 4.0 nhưng phương pháp quản lý nhà nước còn cơ học, chưa chấp nhận rủi ro. Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, Chủ tịch VCCI nói.

Về phía các nhà băng và thiết chế tài chính, hiện còn thờ ơ, DNNN vẫn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng. Xét về mặt hiệu quả thì ngân hàng cho vay các khoản lớn với doanh nghiệp lớn là ưu tiên đảm bảo an toàn theo hình thức thế chấp tài sản.

Về phía DN, đến thời điểm này, 670.000 DN đang hoạt động và có đến 98 - 99% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, DN siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 DN có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức, mà phi chính thức ít minh bạch và phi minh bạch.

Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều DN. Do đó, Chủ tịch VCCI nhận định, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây và cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Theo thống kê của NHNN thì hiện nay có trên 270.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy vậy, việc cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Đại diện NHNN kiến nghị các Bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Thứ hai, các địa phương cần tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương. Phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi DN tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các DNNVV về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN thành viên.

Cuối cùng bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng. Tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.