Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi lệnh cách ly xã hội được nới lỏng, đa số DN đã nhanh chóng chuyển trạng thái vừa thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn.

Mỗi DN tùy vào tình hình thực tế để có những phương án cụ thể nỗ lực vươn lên trong giai đoạn Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn.
May 10 đồng lòng chống dịch
Trong cơn bão Covid-19, Tổng Công ty CP May 10 gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong nỗ lực vượt khó, May 10 luôn tìm ra hướng đi phù hợp để vươn lên, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Trong tháng 4 vừa qua, hệ thống cửa hàng kinh doanh thời trang của May 10 tạm dừng kinh doanh để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian cách ly xã hội, May 10 đã tập trung sản xuất nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang thời trang để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các cửa hàng của May 10 mở cửa trở lại sau cách ly phục vụ khách hàng nhưng vẫn tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh
Khi lệnh cách ly được nới lỏng, hệ thống các kênh bán hàng của May 10 với hơn 120 điểm bán trên toàn quốc đã đồng loạt mở cửa để đón người tiêu dùng mua sắm. Tuy nhiên, May 10 vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch với 100% nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, hướng dẫn khách hàng đeo khẩu trang và giãn cách khi mua sắm để bảo đảm phòng dịch... Hiện tại, sản phẩm khẩu trang cao cấp mang thương hiệu May 10 đã có mặt tại hệ thống các kênh bán hàng trên thị trường Việt Nam.
“Qua theo dõi chúng tôi thấy người tiêu dùng đã đồng lòng hưởng ứng, đây cũng là tín hiệu rất tốt cho cộng đồng và thị trường. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất lớn và khó lường, cuộc chiến sẽ còn kéo dài, nhưng May 10 vừa đồng lòng cùng cộng đồng chống dịch, vừa nỗ lực tìm hướng đi vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ hơn” – đại diện May 10 nhấn mạnh.
M2 đã có phương án sản xuất, kinh doanh tối ưu
Dù mới hoạt động trở lại nhưng chuỗi hệ thống của Trung tâm thời trang M2 luôn chú trọng bảo đảm an toàn cho khách hàng đến giao dịch. Trong thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội M2 đã tiên phong chấp hành sớm. Đến thời điểm hoạt động trở lại M2 vẫn quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị về phòng, chống dịch như đề nghị 100% khách hàng đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, 100% nhân viên đeo khẩu trang và nhắc nhở khách hàng nếu những ai không đeo khẩu trang, tiến hành khử khuẩn 1 lần/tuần toàn bộ hệ thống cửa hàng để bảo đảm an toàn cho việc phòng chống dịch.
“Hy vọng khi dịch được khống chế hoàn toàn, cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường, lúc đó nhu cầu mua sắm của người dân tăng, tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn” – Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường chia sẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đường cũng cho biết, do nhu cầu thực tế, hiện cơ bản lượng nhân sự đã đi làm trở lại, song hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian này và tới đây có thể phải giảm. Ngay nhà máy tại Hải Phòng đang trong quá trình hoàn thiện cũng chỉ sản xuất cầm chừng các mặt hàng thời trang cho thị trường nội địa do đơn hàng xuất khẩu hay gia công đều gần như không có. Tình hình kinh doanh so với cùng kỳ năm trước của M2 ước giảm 50%. Và chắc chắn rằng không chỉ riêng M2, các chuỗi bán lẻ thời trang khác cũng tương tự.
“DN đã và đang lên kế hoạch chi tiết, bắt tay hợp tác với những đối tác để có những phương án tối ưu mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh, cũng như tạo việc làm cho người lao động trong tình hình mới” – ông Đường nhấn mạnh. Đồng thời, M2 cam kết đồng hành cùng mọi đối tác, nhà cung cấp... vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Đây chỉ là 2 trong số những ví dụ của phần lớn DN “sống chung với Covid-19". Mỗi DN đều có những phương án cụ thể nhằm tối ưu hóa cho bản thân để vượt qua giai đoạn khó khăn chung. Và trong thời gian tới cùng với quyết tâm của mình, cộng đồng DN bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. 

"Đa phần DN gặp khó khăn về đầu vào, đầu ra, về vốn... do đó, DN nào duy trì, bảo đảm sản xuất, kinh doanh phải trân trọng, nâng niu, hỗ trợ, bảo vệ tạo điều kiện thuận lợi nhất. Đây là huyết mạch của nền kinh tế, là bếp ăn của xã hội, DN mà “chết”, huyết mạch không lưu thông được thì hệ quả là rất lớn." - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc