Doanh nghiệp phân phối chuyển mạnh sang kênh online

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng (NTD) chuyển từ thói quen mua hàng trực tiếp sang mua online, thời gian qua, nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại đã chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng này, qua đó mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng online. Ảnh: Quỳnh Linh
Mua sắm online - văn hóa tiêu dùng mới
Kết quả khảo sát về phản ứng và hành xử của NTD với dịch Covid-19 vừa được Nielsen Việt Nam công bố cho thấy, văn hóa mua sắm của người Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng dành nhiều thời gian hơn trên mạng intenet và mua sắm online. Cụ thể 50% số NTD được hỏi đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, 82% NTD đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài. Tổng Giám đốc Nielsen khu vực Đông Nam Á Vaughan Ryan, cho biết: Do tâm lý lo sợ nhiễm Covid-19 khi đi mua hàng hóa, NTD đã chuyển từ “tiêu dùng mua mang đi” sang “tiêu dùng an toàn tại nhà”. Còn theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, kênh mua sắm qua điện thoại của hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với trước.

Việc NTD thay đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang online là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử (TMĐT). Cụ thể, nếu như năm 2019, thương mại điện tử chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ, nhưng số liệu mới nhất cho thấy hiện có tới 76% người tiêu dùng mua sắm online ít nhất 1 lần trong 3 tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% năm.

Doanh nghiệp thích ứng với văn hóa mua sắm online

Theo Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, việc kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống thông qua TMĐT sẽ giúp các DN bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, từ tháng 3 đến nay, doanh số bán hàng online hệ thống siêu thị tăng từ 25 - 30%. Có được kết quả này, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ bán hàng online. Đơn cử, siêu thị Big C đã triển khai dịch vụ: Gọi điện đặt hàng, giao hàng miễn phí với hoá đơn từ 200.000 đồng trở lên. Đến nay số đơn đặt hàng online đã tăng trên 200% so với thời điểm trước khi có dịch. Tương tự siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite. Tính từ tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần. Thời gian tới Co.opmart tiếp tục đẩy mạnh quảng cáo, bán hàng qua website và fanpage.

Giám đốc Công ty BRG Retail Nguyễn Thái Dũng nêu rõ: Hiện, toàn bộ hệ thống siêu thị của công ty như HaproMart, Hapro Food, FujiMart, Intimex, Seika Mart… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua fanpage, email… Hệ thống siêu thị Vinmart đã đầu tư nâng cấp phần mềm tiếp nhận các đơn hàng trực tuyến. Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nội Đỗ Quang Thuần cho biết: Để thích ứng với thực tế, Vinmart đã ra mắt "đội quân đi chợ hộ" thông qua 3 phương thức gồm: điện thoại, qua app và qua website. Còn tại hệ thống trung tâm thương mại Lotte, Aeonmall… người dân có nhu cầu không cần phải đến trực tiếp hệ thống siêu thị mà có thể mua qua online, điện thoại. Một số hệ thống siêu thị còn tích cực kích cầu bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada...

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, mua sắm trực tuyến sẽ trở thành thói quen của nhiều đối tượng khách hàng, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc thúc đẩy hệ thống bán lẻ trực tuyến là một trong những giải pháp bắt kịp với xu thế chung. Tuy nhiên để thực hiện được bài bản ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận, các DN khi chuyển sang kinh doanh online cũng cần điều chỉnh hàng hóa phù hợp với nhu cầu của NTD.

Kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã trở nên phổ biến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt, đây là dịp để các DN cơ cấu lại phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Riêng với những DN chưa thật mặn mà với bán hàng trực tuyến sẽ buộc phải chuyển hướng kinh doanh sao cho phù hợp thực tế, nếu không sẽ bị đào thải.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu