"Doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần"

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp lại các DN theo hướng cácDN quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế quốc phòng, kinh tế khoa học công nghệ...

Ngày 24/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) góp ý về vấn đề quân đội tham gia sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế cho biết, điều 16, dự thảo luật quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ lao động, sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế, quy định trên khẳng định chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là một chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều này thể hiện bản chất cách mạng truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ quân đội.
  Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương)
Đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định trên bởi, về chính trị, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương 12 đã ban hành nghị quyết về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, nghị quyết xác định quân đội phải có ý thức thiết thực tham gia vào việc xây dựng kinh tế và củng cố hậu phương.

Cương lĩnh xây dựng đất nước được bổ sung, phát triển năm 2011 nêu rõ chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh - quốc phòng, an ninh với kinh tế. Nghị quyết đại hội 12 của Đảng xác định kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 06 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo đều khẳng định kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Về mặt pháp lý, Điều 65 Hiến pháp năm 2013 quy định lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước. Điều 68 Hiến pháp quy định kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Luật Quốc phòng cần thể chế hóa quy định này.

Những năm gần đây quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tạo điều kiện ổn định cho hàng vạn hộ dân định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Các doanh nghiệp và quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp quân đội năng động, sáng tạo, chiếm lĩnh thị trường và đầu tư ra nước ngoài, giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Thực tiễn hơn 70 năm qua, quân đội tham gia sản xuất xây dựng kinh tế đã góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội nhân dân không phải là quân đội nhà nghề như một số nước.

Theo đại biểu, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh của quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Hiện nay Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế quốc phòng, làm kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần làm gia tăng sức mạnh trong quân đội và tiềm lực quốc gia.

Cũng thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP Hồ Chí Minh)cho rằng, với chủ trương của quân ủy Trung ương báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị, có đề án tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất và kinh tế quốc phòng hiện nay thì đơn vị quân đội làm kinh tế quốc phòng là một trong những nhân tố chính trị rất rõ.
Theo đó, xem lợi ích quốc phòng bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quyết định, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia.

Quân đội làm kinh tế để góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ cùng với tiến bộ kỹ thuật và công nghệ quốc phòng ngày càng hiện đại. Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị, xã hội mà các doanh nghiệp nhà nước khác không làm.

Ví dụ, các đoàn kinh tế quốc phòng hiện nay của quân đội, trong thời gian tới theo đề án được Chính phủ phê duyệt quân đội sẽ tái cơ cấu lại các doanh nghiệp, các đoàn kinh tế quốc phòng, theo đó làm đúng định hướng của Đảng, tăng cường quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần