Doanh nghiệp ra quân triển khai kế hoạch kinh doanh 2020: Mục tiêu nhiều, thách thức lắm

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ những ngày đầu năm, các DN Việt đã cấp tập lên kế hoạch và mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 với những con số khá lạc quan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực, dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi, trong nước, nội tại DN và ngành còn nhiều khó khăn, việc đạt được mục tiêu này vẫn còn là một chặng đường gian nan và đòi hỏi nhiều nỗ lực từ chính bản thân DN. 
Nơi hoành tráng, nơi khiêm tốn 
Sau thương vụ sáp nhập VinCommerce đình đám và công bố chào mua công khai đa số cổ phần Công ty CP Bột giặt Net, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho biết, các mảnh ghép chiến lược trung hạn của Tập đoàn đã được hoàn chỉnh. Và năm 2020 sẽ là năm Masan tập trung cho hoạt động thực thi để hoàn thiện danh mục các sản phẩm cao cấp và sản phẩm đồ uống, tạo động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số; tăng quy mô ngành thịt, qua đó mảng thịt chiếm ít nhất từ 20 - 25% doanh thu thuần của Masan MEATLife…
 Sơ chế thịt mát tại Công ty Masan MEATLife.  Ảnh: Kim Ngân
Còn với “ông lớn” ngành thép Hòa Phát, các mục tiêu 2020 cũng được đặt ra rõ ràng, gồm: Tiêu thụ 3,6 triệu tấn thép xây dựng, quý II cho ra sản phẩm thép cuộn cán nóng và khối nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc so với 2019.
Với khối ngân hàng, ngay từ đầu năm, các nhà băng đã công bố các kế hoạch cụ thể năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm. Tại Ngân hàng Hàng Hải (MSB), ngân hàng này xác định mục tiêu chiến lược giai đoạn 5 năm 2018 - 2023 là trở thành ngân hàng đáng tin cậy, thấu hiểu khách hàng nhất và đạt tỷ suất lợi nhuận cao tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, MSB đã và sẽ đầu tư vào nền tảng công nghệ nhằm số hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Còn KienLongBank - ngân hàng với con số lợi nhuận khiêm tốn năm 2019, năm 2020, xử lý các vấn đề còn tồn đọng đang “níu chân” hoạt động kinh doanh của ngân hàng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2020, KienLongBank đặt kế hoạch xử lý các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Theo đó, KienLongBank sẽ tiến hành chào bán số cổ phiếu nêu trên ngay trong tháng 1/2020 và dự kiến hoàn tất trong năm 2020. Sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, KienLongBank hy vọng sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020 với con số đạt 750 tỷ đồng.
Rủi ro phía trước 
Dù đặt ra mục tiêu, kế hoạch rõ ràng nhưng trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong nước cũng như thị trường tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, triển vọng nhiều ngành năm 2020 cũng được các chuyên gia đánh giá ở mức “tiêu cực” và tình hình nội tại còn khó khăn của các DN sẽ là những rào cản đòi hỏi DN phải nỗ lực để đạt mục tiêu.
Tại Massan, dù lãnh đạo DN này “trấn an” nhà đầu tư về việc VinCommerce sẽ hết lỗ trong năm 2020 nhưng mục tiêu này vẫn được đánh giá là không đơn giản. Thực tế, sau thương vụ sáp nhập VinCommerce, thị trường phản ứng khá tiêu cực khi giá cổ phiếu MSN lao dốc mấy phiên liền do nhà đầu tư lo mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup lỗ hàng nghìn tỷ đồng/năm và Masan sẽ phải gánh lỗ cho Vingroup. Vì thế, trong kế hoạch 2020, Massan cũng cho biết, sẽ đóng cửa từ 150 – 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng.
Với ngành thép, giới chuyên gia nhận định triển vọng khá tiêu cực khi nhu cầu thị trường tăng trưởng chậm lại. Đây là một trong những thách thức của các DN thép. Riêng Tập đoàn Hòa Phát, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nhu cầu thép trong năm 2020 tăng trưởng chậm; biến động giá thép và nguyên liệu đầu vào; khu liên hợp thép Dung Quất chậm tiến độ hoặc lợi nhuận thấp hơn ước tính trong những năm đầu đi vào hoạt động là những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của DN này.
Với khối ngân hàng, xử lý nợ vẫn là câu chuyện đau đầu. Đơn cử, tại KienLongBank, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 giảm hơn 70%, chỉ đạt 86 tỷ đồng là do trong tháng 12/2019, ngân hàng này hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Và kế hoạch xử lý khối tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank này trong năm 2020 để “giải phóng” lợi nhuận KienLongBank chắc chắn vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thực tế, trong bối cảnh vẫn còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới cũng như bản thân các vấn đề nội tại ngành, vẫn còn hàng loạt thách thức chờ đón DN trong năm 2020. Tuy nhiên, với các mục tiêu đã được Ban lãnh đạo, HĐQT tính toán kỹ lưỡng, hy vọng các DN sẽ không làm cổ đông, nhà đầu tư thất vọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần