Doanh nghiệp sẽ bị "gậy ông đập lưng ông" nếu cố tình thổi giá thịt lợn lên quá cao

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, đàn gia cầm đã tăng 15%, thủy sản tăng hơn 6% và đại gia súc tăng 4,5%. Như vậy, tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Tiến Sang, thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên). Ảnh: Báo Bắc Giang.
Ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái đàn lợn, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Bên lề cuộc làm việc, người đứng đầu ngành nông nghiệp đã có chia sẻ với báo chí về những vấn đề cấp bách hiện nay của ngành.
Theo đó Bộ trưởng cho biết, quá trình kiểm tra việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi để đảm bảo nguồn thực phẩm Tết và sau Tết cho thấy các địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung tăng cường sản xuất đa dạng các loại thực phẩm.
Điển hình là gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng hơn 6% và đại gia súc tăng 4,5%. Như vậy có thể khẳng định rằng, tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào.
Riêng về tái đàn lợn, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi giảm xuống mức có thể kiểm soát được, các địa phương đang tăng tốc tái đàn.
"Điều đáng biểu dương là các địa phương đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nông dân tái đàn. Qua kiểm tra cho thấy, ở công ty lớn hay trang trại quy mô gia đình đều đảm bảo rất nghiêm ngặt quy trình đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học", Bộ trưởng đánh giá.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp tin tưởng, việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ xác suất về dịch bệnh với những cơ sở đảm bảo an toàn sinh học. Điều này sẽ đóng góp một phần vào việc thiếu hụt thịt lợn cuối năm. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cảnh báo đẩy mạnh tái đàn nhanh nhưng cũng phải đảm bảo an toàn để sản xuất có lợi nhuận, không có rủi ro.
Nhận định về giá thịt lợn tăng "chóng mặt" như thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, giá cả là do quy luật thị trường. Hiện nay các công ty chăn nuôi lớn đang là hạt nhân với 109.000 lợn cụ kỵ, ông bà và chiếm lượng lớn trong 2,5 triệu con lợn nái. Đây là các đơn vị thực hiện tổ chức quy trình sản xuất an toàn sinh học rất tốt nên giữ được đàn lợn hạt nhân và thương phẩm lớn.
"Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm là hạt nhân không chỉ trong cung ứng những sản phẩm như con giống, thức ăn tốt nhất mà còn làm chủ để dẫn dắt về thị trường, nhưng tránh đưa giá lên cao quá mức.
Việc đưa giá lên cao quá mức sẽ "gậy ông đập lưng ông". Nếu giá cao quá, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác, hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên tuân thủ đúng quy luật thị trường. Bởi các doanh nghiệp được coi là hạt nhân vì có kỹ thuật, công nghệ, giống tốt, sức sản xuất tốt thì cần gương mẫu, làm chủ dẫn dắt thị trường không chỉ về các hàng hóa dịch vụ mà kể cả về giá, đảm bảo đúng quy luật thị trường cơ lợi nhưng hợp lý.
Ngoài việc tăng đàn để bù đắp sản phẩm thịt lợn thiếu hụt, ngành nông nghiệp đã đưa ra 3 giải pháp, gồm: Tăng cường sản xuất; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới, để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh; về lâu dài người tiêu dùng cần chuyển hướng để nhu cầu tiêu dùng hài hòa với các nhóm thực phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần