Doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội giải bài toán đầu ra

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp, với tinh thần chủ động, các DN đang tập trung vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất hàng cơ khí tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu, Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng,Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải
Vừa sản xuất, vừa chống dịch
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nơi có hàng vạn lao động đang làm việc, các phương án phòng, chống dịch đã được tái khởi động. Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, tất cả cán bộ, công nhân viên đều nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cơ quan. Các nhà xưởng được khử trùng, vệ sinh thường xuyên. Bên cạnh đó, để vượt qua khó khăn, các DN dệt may đã chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng nhằm đáp ứng tình hình mới. Nhiều DN còn tận dụng các nguồn lực, phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Đáng chú ý, ngay từ giữa năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dệt may đã gần như quay trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, khi xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, các DN bị ảnh hưởng đều buộc phải chuyển hướng sản xuất. "Tình hình diễn biến dịch bệnh nóng trở lại, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các DN sẵn sàng sản xuất khẩu trang. Các DN cũng đã rất có kinh nghiệm trong việc sắp xếp, chuyển đổi từ sản xuất quần áo bình thường sang sản xuất khẩu trang" - ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn, ngay sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng, DN này đã triển khai các biện pháp rà soát, yêu cầu người lao động khai báo y tế; sàng lọc người về từ vùng dịch để thực hiện cách ly, giám sát theo quy định của Bộ Y tế và TP Hà Nội. Cùng với đó, để bảo đảm an toàn hoạt động cho công nhân trong các nhà máy, sản xuất đúng tiến độ, công ty đang xúc tiến việc thực hiện giao thương trực tuyến với đối tác các nước, tìm thêm các đơn hàng ở phân khúc bình dân, phát triển thêm một số sản phẩm cho thị trường nội địa.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin từ Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khoảng 1 tháng trở lại đây, các DN nhận được nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường ở cả trong nước lẫn xuất khẩu. Cụ thể, ở trong nước, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh để DN yên tâm hoạt động trở lại. Tại thị trường xuất khẩu, hiện có dấu hiệu phục hồi ở một số nước EU, Nhật Bản khi các đối tác bắt đầu bàn chuyện đặt đơn hàng mới. “Tín hiệu thị trường lạc quan phần lớn đến từ động lực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Theo đó, ngoài việc được giảm thuế suất về 0%, EVFTA được đánh giá có quy định khá “dễ thở” cho các DN Việt Nam khi cho phép DN sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA (Hàn Quốc, Nhật Bản…)” - Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn thông tin.
Chia sẻ về phương hướng khắc phục khó khăn trong những tháng cuối năm 2020, nhiều DN cho biết đã chủ động đề ra các giải pháp phù hợp trong điều hành, quản lý nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, các DN xuất khẩu đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các đầu mối là tham tán thương mại tại các nước, các khu vực. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm thêm nhiều thị trường, khách hàng mới, tập trung vào các thị trường ít bị tác động bởi dịch Covid-19 hoặc những thị trường có sự phục hồi tiêu thụ sản phẩm.
Đồng hành vượt khó cùng DN, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN trong nước với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Cụ thể, liên Bộ hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam.
Bên cạnh nỗ lực của bản thân mỗi DN, để giúp DN ứng phó vượt “bão” Covid-19, Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ như: Giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập DN cũng như giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ chi trả lương cho lao động. Bởi thực tế, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều gói hỗ trợ cho DN, tuy nhiên tới nay, việc tiếp cận các gói hỗ trợ được các DN đánh giá vẫn gian nan.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần