Doanh nghiệp taxi chỉ biết… hưởng lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng giảm giá lần thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 10/2015, với tổng mức giảm khoảng 2.000 đồng/lít nhưng giá cước taxi vẫn không nhúc nhích.

Thủ tục kê khai giá phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí là nguyên nhân khiến DN taxi vin vào đó để chây ỳ giảm giá cước. 

Cơ chế giá “níu chân” doanh nghiệp giảm cước?

Tính chung từ đầu năm 2015 đến nay, xăng dầu có tổng cộng 19 lần điều chỉnh giá với tổng mức giảm khoảng 5.000 đồng/lít xăng, tương ứng giảm 30%. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, nếu xăng giảm khoảng 30% thì giá thành của xe chạy xăng giảm khoảng 10%; giá dầu diezel giảm 30% kéo theo giá thành xe chạy dầu tiết kiệm được trên dưới 12%. Con số này cho thấy, DN lãi lớn như thế nào nếu chi phí nhiên liệu giảm nhưng DN taxi vẫn “lỳ” với việc giảm giá cước.
Giá cước Taxi Group đắt nhất thị trường hiện nay. 	 Ảnh:  Duy Anh
Giá cước Taxi Group đắt nhất thị trường hiện nay. Ảnh: Duy Anh
Báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội cho biết, sau nhiều lần đôn đốc, đến nay, mới có 7 đơn vị taxi thực hiện kê khai giá. Con số khiêm tốn 7 DN kê khai lại giá trên gần 200 DN taxi thuộc diện quản lý kê khai cước qua Sở Tài chính Hà Nội đã chứng tỏ sự chây ỳ của các DN vận tải này. Hiện, Sở Tài chính đang tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá với nhiều DN vận tải trên địa bàn Hà Nội. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu chiếm khoảng 20 - 30% cơ cấu giá cước vận tải. Theo ông Long, việc giá xăng dầu giảm sâu, DN vận tải không chịu giảm giá cước có nguyên nhân từ DN và cả nguyên nhân từ cơ chế chính sách. “Hiện nay, thủ tục điều chỉnh giá cước vận tải đường bộ phức tạp khi phải kê khai, đăng ký, thanh kiểm tra thủ tục này rất rườm rà. Đồng thời, mỗi lần tăng giảm giá cước phải trải qua nhiều khâu như niêm chì, chẳng hạn xe taxi mỗi lần muốn tăng giảm giá cước phải mất chi phí khoảng 250.000 đồng/xe. DN vin vào đó để chậm giảm giá cước”- vị chuyên gia này chia sẻ.

Một chuyên gia khác cho rằng, có tình trạng DN nhìn nhau để giảm giá cước. “Ở thời công nghệ này, DN này thấy DN kia không giảm giá là tự biết hướng xử lý rồi. Vì thế, cơ quan quản lý cần vào cuộc và có chế tài buộc các DN phải giảm giá cước”- ông nhấn mạnh.

Tăng chế tài xử phạt

Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt các hành vi vi phạm quy định về giá, DN sẽ bị phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo trong thời hạn dưới 5 ngày làm việc so với yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác bình ổn giá. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi chậm báo cáo trong thời hạn từ 5 ngày làm việc đến 10 ngày làm việc. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu  đồng đối với hành vi chậm báo cáo quá 10 ngày làm việc.

Hiện, đoàn liên ngành gồm GTVT, ngành tài chính… vẫn tiếp tục thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thúc ép các DN giảm giá cước. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, lập đoàn kiểm tra chỉ là giải pháp nhất thời được triển khai khi vấn đề giá cước gây bức xúc xã hội. Hiện nay, Liên Bộ Tài chính - GTVT đã xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 152/2014 của liên Bộ GTVT và Tài chính hướng dẫn về thực hiện giá cước vận tải đường bộ. Theo đó, dự thảo này được soạn thảo theo hướng, khi xăng dầu giảm ở mức độ nào đó, DN bắt buộc phải kê khai giảm giá cước. Ngoài ra, dự thảo cũng hướng đến quy định: Khi DN kê khai lại giá có thể triển khai giảm giá ngay, không cần chờ chấp thuận của cơ quan Nhà nước như hiện nay.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý vẫn loay hoay xây dựng dự thảo, giá xăng dầu nhiều lần giảm, lợi nhuận của các DN taxi ngày một lớn hơn thì người tiêu dùng đang phải gánh chịu những bất hợp lý đó. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần