Doanh nghiệp thời hội nhập: Cạnh tranh là con đường duy nhất để phát triển

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ mặt hàng thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, điện máy, cho đến dịch vụ khác, với sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, DN trong nước sẽ càng chật vật hơn.

Thua trên sân nhà
Cơn sốt trà sữa đang lan tỏa khắp Hà Nội. Thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế cũng như Việt Nam như Ding Tea, Chago, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Chatime, Bobapop… Không chỉ có trà sữa Đài Loan (Trung Quốc), mà còn có trà sữa Hongkong (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Thị trường đồ gia dụng, điện máy Việt Nam xuất hiện hàng loạt thương hiệu như Benny, Philips, Elmich, Kangaroo, Bluestone, Gowell, Sunhouse, Goldsun… Ngoài ra, hàng loạt đối thủ khác đang xuất hiện khiến siêu thị bán lẻ truyền thống có nguy cơ mất thị phần là hệ thống cửa hàng tiện ích nhỏ gọn, tiện lợi, len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại Hội chợ thương mại quốc tế 2017. Ảnh: Phạm Hùng

Hàng Nhật, Thái, Hàn… tràn từ vỉa hè đến siêu thị. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc đến lượt Thái Lan đã trở thành mối quan tâm của Bộ Công Thương khi con số nhập siêu từ thị trường này đang ngày một tăng, dù mức tăng có chậm hơn trước.

Gần đây, nhiều siêu thị Việt chấp nhận "bán mình" cũng dự báo xu hướng tràn lan hàng ngoại tại thị trường trong nước. Mới đây, taxi Uber, Grab, cây xăng “cúi chào” của Nhật Bản mở với chất lượng dịch vụ vượt trội là sự cảnh tỉnh đối với các DN xăng dầu nội địa, vốn trước nay không có đối thủ.

Không thể chỉ kêu gọi suông!

Công ty Xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8) tuyên bố đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít và cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng.

Đầu tháng 9/2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội gây sự chú ý của công luận với kiến nghị "khẩn cấp dừng thí điểm Uber, Grab" vì "đang gây ra nhiều bất an cho xã hội". Tiếp đó, nhiều taxi truyền thống của một số hãng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đeo băng rôn yêu cầu "Uber, Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam", một hành động rất phản tác dụng đối với những hãng đó. Gần đây nhất, Petrolimex treo khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" gây sự quan tâm của dư luận. Petrolimex sau đó khẳng định khẩu hiệu này không giống khẩu hiệu của các hãng taxi về Uber và Grab.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét, các DN Việt Nam đã phản ứng không thân thiện trước sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Phản ứng từ phía các hãng taxi truyền thống vẫn vô ích nếu giá cước không thay đổi, bởi thực tế, giá cước của Uber, Grab đến thời điểm này đều rất cạnh tranh.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có một lao động, còn ở Việt Nam là 15 - 20 người. Một nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi công nhân Việt Nam chỉ nuôi bình quân khoảng 5.000 con. Số liệu điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ, hay thịt bò ở Australia thấp hơn 25 - 30% so với ở Việt Nam, nhưng chất lượng thịt lại hơn hẳn.

"Đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm. Kể cả sản phẩm có lợi thế như giống đặc sản, giống bản địa, lợn cắp nách, gà đồi, vịt chạy đồng... cũng phải giảm giá thành, kiểm soát tốt ATTP” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết.

Hội nhập không thể là cung cách ứng xử theo kiểu kiện tụng, treo băng rôn trên xe, vận động người Việt ưu tiên hàng Việt, là kêu gọi sử dụng các sản phẩm bia “sân nhà”, lấy tinh thần dân tộc ra làm vũ khí.... DN phải cạnh tranh bằng giá và chất lượng để người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi.

Nếu DN không đầu tư công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành - yếu tố sống còn quyết định sức cạnh tranh… thì chắc chắn sẽ khó cạnh tranh.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ