Doanh nghiệp, tổ chức Việt chưa "sợ" hiểm họa ATTT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của ông Trần Văn Thành- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an khi nói về thực trạng bảo mật công nghệ thông tin ở các cơ quan, doanh nghiệp trong nước.

Hôm nay (25/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia về An ninh Bảo mật 2015 - Security World 2015. Có chủ đề “Tăng cường bảo mật và an toàn thông tin (ATTT) trong môi trường rủi ro hiện nay”, đây là nơi để các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan của Việt Nam có thể đánh giá cũng như ứng phó kịp thời với các hiểm họa ATTT ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Khẳng định tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, song song với việc quan tâm tới triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi mặt của cuộc sống, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt lưu tâm tới công tác đảm bảo ATTT. 

 
Nguyễn Minh Hồng: Việt Nam sắp có đội ngũ với trình độ chuyên môn đủ để đáp ứng nhu cầu đảm bảo ATTT
Nguyễn Minh Hồng: Việt Nam sắp có đội ngũ với trình độ chuyên môn đủ để đáp ứng nhu cầu đảm bảo ATTT
Chính vì vậy trong những năm gần đây, hàng loạt các văn bản, chính sách nhằm đảm bảo ATTT trong lĩnh vực CNTT đã được ban hành như: Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó ATTT được đề ra như một nhiệm vụ trọng tâm; Quyết định 109 của Thủ tướng về thành lập Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT do chính Thủ tướng làm Trưởng ban ...

Với việc Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh thông tin, dự kiến trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ có một đội ngũ với số lượng nhân lực cũng như trình độ chuyển môn đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng như phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ, sự cố ATTT, Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Cũng liên quan tới ATTT, Thứ trưởng cho biết, hiện tại, các Ủy ban của Quốc hội đang trong những bước thẩm tra cuối cùng với dự án Luật ATTT. Dự kiến trong kỳ họp tháng 5/2015 sẽ mang ra thảo luận tại Quốc hội và được xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10/2015. Nhiều khả năng trong năm 2016, Luật ATTT sẽ chính thức có hiệu lực, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ATTT cũng như ngăn chặn xung đột trên không gian mạng.

Đánh giá về thực trạng đảm bảo ATTT trong các doanh nghiệp, cơ quan tại Việt Nam, Trung tướng Trần Văn Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an cho rằng, đa số đều vẫn chưa thực sự ý thức được tác hại của các hiểm họa ATTT đối với tổ chức của mình.

Ông Thành lưu ý rằng, các nguy cơ ATTT trong thời gian qua đã tăng mạnh về số lượng cũng như mức độ tinh vi. Với sự gia tăng như vậy những phương pháp bảo mật truyền thống đã không còn hữu hiệu đối với cơ quan, doanh nghiệp. Qua đó đòi hỏi cần có những công cụ cũng như công nghệ tiên tiến hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mới.

Hơn thế nữa, tin tặc đã và đang có xu hướng chuyển sang tấn công ngày càng cao vào các doanh nghiệp lớn hoặc cơ quan chính phủ, qua đó gây ra những thiệt hại lớn hơn và nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh cảnh báo.

Để tận dụng tối đa sức mạnh của CNTT vào hoạt động và kinh doanh, các tổ chức, doanh nghiệp cần coi việc đảm bảo ATTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thông qua công tác đào tạo nhân lực, trang bị các phương thức bảo mật mới sẽ làm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do nguy cơ ATTT có thể gây ra, ông Thành đưa ra lời khuyên.

Cũng tại hội thảo này, các con số đáng "giật mình" về tình tình hình ATTT đã được đưa ra. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về việc người dùng di động bị mã độc tấn công, thứ 4 về nguy cơ mất an toàn thông tin người dùng cũng như đứng đầu thế giới về số lượng người dùng máy tính bị lây nhiễm mã độc.

Phía Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng đưa ra cảnh báo đáng chú ý khi cho biết,  phần lớn các cơ quan tổ chức tại Việt Nam cho phép dùng thiết bị cá nhân (di động và máy tính bảng) truy cập vào mạng lưới tại nơi làm việc nhưng có tới 74% trong số thiết bị không hề sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào. Đây là con số rất đáng lo ngại về khả năng mất ATTT trong hiện tại và thời gian tới.