Doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân đã và đang cùng nhau đồng lòng vào cuộc khống chế thành công dịch bệnh Covid-19. Để đạt được điều đó, ngoài sự tài tình của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành; không thể không kể đến sự đồng lòng, góp công góp sức của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chiều 24/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Doanh nghiệp không ngoài cuộc
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và ngày càng lan rộng, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đưa ra các giải pháp để thích ứng. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị động và chưa sẵn sàng nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng và lương thực, thực phẩm đã chủ động thích nghi. Bằng chứng thể hiện là trong khi nhiều nước trên thế giới xảy ra tình trạng thiếu thốn hàng hoá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thì tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước nói chung không hề có tình trạng này xảy ra.
  Ông Hoàng Chương - Giám đốc điều hành miền Bắc Công ty CP Masan Meatlife
Đặc biệt, giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động mạnh, nếu có chỉ là một nhóm nhỏ và ngay lập tức, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo để ổn định trở lại.
Có được điều đó, không phải tự nhiên doanh nghiệp làm mà nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền đến sở, ngành. “Cứ 2-3 ngày, doanh nghiệp chúng tôi tổ chức họp một lần để xây dựng kịch bản ứng phó dịch và lên phương án sản xuất, giữ giá cả sản phẩm, ổn định thị trường” – bà Chi nói.
Cũng theo bà Chi, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh nghiệp đều đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu.
Tương tự, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VIệt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết, giai đoạn trước Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi  nên nguồn cung nguyên liệu thịt bị ảnh hưởng lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, VISSAN là một trong những đơn vị tham gia làm bình ổn, có cam kết với UBND TP Hồ Chí Minh để giữ giá trong chu kỳ bình ổn.
“Thời điểm từ 15/1 đến nay, dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu đầu vào với mức giá dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhập hàng để đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng và đảm bảo giá cả ở mức bình ổn” - ông Dũng nói.
Còn tại Công ty CP Masan Meatlife, ông Hoàng Chương - Giám đốc điều hành miền Bắc của Công ty cho biết, ngay từ khi chưa bùng phát dịch Covid-19, khi đó mới có dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp đã áp dụng 3 tuyến phòng dịch để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các biện pháp được tăng cường hơn, doanh nghiệp đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt, các biện pháp khử khuẩn để đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn. Mặc dù phát sinh chi phí cao, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện hàng ngày để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Doanh nghiệp cũng ứng dụng đóng gói sản phẩm Meatdeli với công nghệ châu Âu đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ, chung tay với việc duy trì bữa ăn dinh dưỡng cho người tiêu dùng, theo đó hỗ trợ giá với 3 sản phẩm với mức trợ giá cao nhất từ trước tới nay.
 Nhiệm vụ kép
Bên cạnh việc chung tay cùng chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tham gia hỗ trợ, bình ổn giá tiêu dùng, các doanh nghiệp vẫn phải tìm giải pháp để duy trì và phát triển. Đây là nhiệm vụ kép mà không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Và một trong những giải pháp hữu hiệu cho sự phát triển của doanh nghiệp là sử dụng kênh bán hàng online - thương mại điện tử (TMĐT).
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), đối với VISSAN, dự kiến trong năm nay, Công ty sẽ xây dựng website TMĐT. “Ngay từ tháng 2/2020, chúng tôi đã bán hàng qua số hotline của Công ty. Sau Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội và giãn cách xã hội thì người tiêu dùng đã hạn chế tới siêu thị nên buộc chúng tôi tiến hành bán hàng qua hình thức này để phục vụ người tiêu dung” - ông Dũng nói.
Với 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, VISSAN đã tạo thành 55 kho hàng ở khắp nội, ngoại thành và người tiêu dung, chỉ cần gọi hotline là mua được hàng. Bên cạnh đó, Công ty cũng đẩy nhanh việc xây dựng website bán hàng, đồng thời đưa hàng lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki…
Ông Trần Mạnh Hiển, Tổng Giám đốc Tập đoàn Karofi Việt Nam cho biết, Karofi vừa là đơn vị thương mại vừa là đơn vị sản xuất nên giải pháp của Tập đoàn này rất đa dạng.
 Ông Trần Mạnh Hiển, Tổng Giám đốc Tập đoàn Karofi Việt Nam 
Để đối phó với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã xoay hướng sản xuất vì đã có nền tảng nhất định. Thông thường một dự án kéo dài 3 tháng, nhưng trong vòng 15 ngày, đội ngũ nhân sự của Karofi đã nhanh chóng sản xuất khẩu trang Nano silver diệt khuẩn. Trong tình hình đại dịch, doanh nghiệp đã nhanh chóng tạo các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm giảm bớt khó khăn.
Bên cạnh đó, TMĐT được sử dụng vừa để hỗ trợ hệ thống phân phối vừa để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với sản phẩm.
Ông Hoàng Chương, Giám đốc điều hành Miền Bắc – Công ty cổ phần Masan Meatlife cho biết, Công ty luôn xác định bán hàng trực tuyến là xu thế tất yếu trong tương lai và Covid-19 là lý do đẩy nhanh hơn nữa xu hướng tiêu dùng của người Việt, đưa hệ thống bán hàng online tiếp cận tới người tiêu dùng. “Để đón đầu xu hướng này, chúng tôi đã triển việc bán hàng cho khách hàng thông qua nhiều kênh bán khác có thể mua hàng từ các cơ sở như: Web, Fage…” – ông Chương nói.
 Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, doanh nghiệp ngày càng kinh doanh nhiều hơn trên các ứng dụng thương mại điện tử và đây là xu thế tất yếu.
Việc doanh nghiệp bán hàng và đăng ký với Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp mang được uy tín với cộng đồng và tránh được các tình huống về công tác hậu kiểm. Việc đăng ký cũng giúp người tiêu dùng tiện kiểm tra thông tin trước khi mua hàng.
“Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái bằng việc sẽ mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử thông qua các sàn thương mại đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời” - bà Huyền nói.