Doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia cùng Chính phủ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam sẽ tạo ra một hình mẫu tuyệt vời khi hợp tác với các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan hàn lâm để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân chất lượng cao và có khả năng chi trả.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Thế giới điều hành, Bộ Y tế Việt Nam và Novartis Social Business đã tổ chức Phiên thảo luận và họp báo với chủ đề: Đối thoại hợp tác về chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Mục tiêu của đối thoại nhằm chia sẻ các thách thức và cơ hội về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyển tuyến trong hệ thống y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế chỉ đạo; đạt được sự đồng thuận từ Bộ Y tế, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về một tầm nhìn chung trong đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam…
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế (thứ 2 từ trái qua) và các đại biểu trả lời họp báo.
Việt Nam đã đạt được các thành công vượt bậc về phát triển hệ thống y tế với gần 90% dân số có bảo hiểm y tế. Đặc biệt, theo báo cáo giám sát toàn cầu mới nhất về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới, 97% trẻ em Việt Nam được tiêm phòng chuẩn - một tỷ lệ cao hơn ở hầu hết các nước có thu nhập cao.
Nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và 3 thành viên đồng sáng lập là Diễn đàn kinh tế thế giới, Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trường Đại học Y Harvard và Tập đoàn Novartis, nhằm xây dựng một hình thức hợp tác đối tác công - tư sáng tạo để giúp thực hiện các mục tiêu của Bộ Y thông qua việc tăng cường các dự án thí điểm hiện tại về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 30 tỉnh của Bộ Y tế.
Bài học từ các dự án này sẽ được nhân rộng trên quy mô quốc gia. Nhóm công tác cũng sẽ xây dựng kế hoạch hành động bao gồm sự thống nhất về mục tiêu, các mốc và chiến lược tổng thể.
Phát biểu tại đối thoại, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030. Hiện đã đạt được các thành tựu to lớn về hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và mong muốn tiếp tục đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu về y tế.
Còn TS Andrew Ellner - Giám đốc Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và thay đổi xã hội toàn cầu của Đại học Y Harvard (Hoa Kỳ) cho biết, với sự cam kết đặc biệt về sự công bằng và tăng cường tuyến đầu của cung ứng dịch vụ y tế, Việt Nam đã đạt được thành tích ngoạn mục về nâng cao sức khỏe người dân và vươn đến mức độ chưa từng có về tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao cho mọi công dân của mình.
Theo TS Dessislava Dimitrova - Trưởng bộ phận các hệ thống y tế, Diễn đàn kinh tế thế giới tin rằng, Việt Nam sẽ tạo ra một hình mẫu tuyệt vời khi hợp tác với các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan hàn lâm để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân chất lượng cao và có khả năng chi trả.
Vai trò của Diễn đàn kinh tế thế giới như là một diễn đàn trung lập nhằm thúc đẩy hình thức hợp tác giữa nhiều đối tác là rất quan trọng, đây cũng là nhu cầu ngày càng tăng của các Chính phủ trong việc hợp tác với lĩnh vực tư nhân và các đối tác khác để hỗ trợ đổi mới hệ thống y tế của quốc gia mình.
Với việc xây dựng và triển khai các hoạt động tiếp diễn ở Việt Nam và khu vực châu Á, Novartis có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam bằng cách hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và tiếp tục đo lường các tác động của mô hình mới này về chất lượng dịch vụ được cung ứng cho các bệnh nhân Việt Nam.
TS Harald Nusser - Giám đốc toàn cầu chương trình kinh doanh mang tính xã hội của Tập đoàn Novartis

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần