Doanh nghiệp vận tải chưa giảm cước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện nhiều hiệp hội vận tải cho rằng, mức giảm giá xăng dầu còn rất hạn chế nên không tác động tích cực nhiều đến vận tải. Vì vậy, giá cước sẽ chưa có nhiều thay đổi.

Mỗi khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải đều rất nhanh nhạy trong việc điều chỉnh giá cước vận tải để bù đắp chi phí, mà dẫn chứng rõ nhất là qua 2 đợt tăng giá xăng dầu (đợt 1 tăng 2.100 đồng, đợt 2 tăng 900 đồng), giá cước vận tải đã được điều chỉnh tăng 10 - 20%. Tuy nhiên, gần đây, chỉ trong vòng 15 ngày, giá xăng dầu giảm 2 lần (bằng từ 12,5 - 46% so với mức tăng từ đầu năm đến nay). Cụ thể xăng tăng tới 3.000 đồng/lít nhưng mới giảm 1.100 đồng/lít, mức giảm chỉ bằng 36% mức tăng. Dầu diezen đã tăng 1.500 đồng/lít nhưng chỉ giảm 700 đồng/lít, tương ứng chỉ bằng 46% mức tăng. Dầu hỏa tăng nhẹ nhất cũng đã lên tới 1.200 đồng/lít nhưng chỉ giảm 300 đồng/lít, bằng 25% mức tăng. Giá xăng dầu giảm như một tín hiệu mừng cho người tiêu dùng và nhất là doanh nghiệp vận tải.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng hạ xuống một nấc nữa, các doanh nghiệp vận tải mới phải hạ giá cước. Còn giảm như hiện nay chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào, nên sẽ không có hy vọng hạ giá cước. "Hiện có nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, vắng khách, thậm chí xe còn phải bỏ bến nên chưa thể phản ứng ngay được khi giá xăng giảm, giá cước sẽ chưa thể điều chỉnh ngay" - ông Liên nói.

Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, 2 lần tăng giá xăng trước, các doanh nghiệp taxi chỉ tăng cước một lần khi giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít. Lần giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít sau đó, các doanh nghiệp taxi không tăng giá. Hiện, giá xăng giảm 1.100 đồng/lít vẫn quá thấp và không có tác dụng đến việc điều chỉnh cước taxi. Hiện các hãng taxi đang tiếp tục chờ giá xăng dầu giảm đủ 2.000 đồng/lít lúc đó mới tính đến giảm giá cước taxi. "Không thể điều chỉnh giá cước theo kiểu lắt nhắt lên hoặc xuống vài trăm đồng theo giá xăng, vì chi phí chỉnh đồng hồ cước, niêm yết giá... cũng rất tốn kém" - ông Bình nói.

Mặc dù, Thông tư số 129, của liên Bộ Tài chính - GTVT quy định, khi chi phí đầu vào tăng hoặc giảm, các doanh nghiệp vận tải có thể tính toán tăng hoặc giảm giá cước khi được sự đồng ý của liên ngành Thuế - Tài chính - GTVT. Nhưng thực tế, khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải rất nhanh nhạy trong việc tăng giá cước, nhưng khi khí đốt giảm giá, họ lại chần chừ điều chỉnh giảm  giá cước.