Chúc mừng năm mới

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì Covid-19

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kịp gượng dậy sau một năm điêu đứng vì dịch Covid-19, các DN vận tải tiếp tục lao đao trong đợt bùng phát mới của đại dịch và dự báo sẽ có một năm vô vàn khó khăn đang chờ phía trước.

Lượng khách sụt giảm mạnh
Ông Nguyễn Duy Ninh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (chủ sở hữu nhà xe Ninh Quỳnh) lắc đầu ngán ngẩm khi nói về tình hình kinh doanh của DN vào thời điểm hiện tại. “Năm năm dù đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại nhưng chúng tôi vẫn còn cố gắng gượng được nhờ một chút vốn tích lũy. Nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp như hiện nay chẳng biết năm nay chúng tôi sẽ ra sao nữa” – ông Nguyễn Duy Ninh thở dài.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021, các chuyến xe xuất bến từ Hà Nội đi Lạng Sơn và ngược lại của nhà xe Ninh Quỳnh đã vắng khách. Chuyến đông cũng chỉ lác đác được vài người, thậm chí có chuyến 1 - 2 khách.
 Cảnh tượng vắng vẻ tại bến xe Giáp Bát do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Hòa Thắng
Ông Nguyễn Duy Ninh cho biết, lượng khách hiện tại chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí không ít chuyến, dù xe rỗng nhưng vẫn phải chạy. “Vừa qua, khi Covid-19 bùng phát ở Quảng Ninh, Hải Dương khiến tuyến đi Hải Phòng, Quảng Ninh của chúng tôi đã phải dừng chạy. Tuyến chính là Hà Nội – Lạng Sơn thì gần như đã tê liệt cả năm qua kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở nước ta” – ông Nguyễn Duy Ninh chia sẻ.

Tình hình tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cũng không khá khẩm hơn mấy. Theo đại diện hãng xe, từ khi khi Covid-19 bùng phát, khách đặt vé qua điện thoại hủy hàng loạt, khách đến bến thưa thớt hẳn. Trước tình trạng trên, nhà xe này đã phải giảm số xe chạy trên tuyến một nửa so với trước, còn khoảng 20 xe, mà vẫn vắng. “Với tình hình hiện tại thì càng chạy sẽ càng lỗ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động vì không thể bỏ chỗ đã đăng ký trong bến" – Giám đốc hãng xe Sao Việt Đỗ Văn Bằng nói.

Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho hay, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát khiến DN này chỉ duy trì 20% số xe, tần suất phải kéo dài từ 30 phút lên hơn 2 tiếng cho mỗi chuyến. Có điều, kể cả giảm số xe và tần suất chuyến thì lượng khách trên mỗi chuyến xe cũng rất thưa thớt, thậm chí có chuyến chỉ lác đác 2 - 3 khách. Ông Khúc Hữu Thanh Hải thừa nhận, nếu tình trạng trên vẫn không được cải thiện, DN của ông sẽ buộc phải tính đến dừng hoạt động một số tuyến. Trong đó, tuyến đầu tiên được tính đến là Hải Phòng – Giáp Bát với khoảng 20 xe được cắt giảm.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến các DN vận tải thiệt hại quá nặng nề. Năm 2021 dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi vốn tích lũy của các DN đều đã mang ra để duy trì hoạt động trong suốt một năm qua.

Cần tiếp tục được “tiếp sức”

Một trong những vấn đề khiến các DN vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19. Doanh thu giảm sút thảm hại cộng với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì các DN vận tải sẽ khó lòng trụ vững. “Càng chạy sẽ càng lỗ chứ đừng nói đến có dư ra để trả nợ ngân hàng. Đây là lúc các DN vận tải cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các DN vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi” – ông Nguyễn Duy Ninh bày tỏ.

Nhiều DN vận tải chia sẻ, năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN trong đó cho phép các ngân hàng và tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chính sách này đã giúp ích rất nhiều cho các DN vận tải. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, vẫn chưa thấy chủ trương, chính sách tương tự nào được ban hành.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn mà các DN vận tải đã và đang đối mặt. “Khi Covid-19 bùng phát, vận tải và du lịch là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì thế không bất ngờ với tình trạng điêu đứng mà các DN vận tải đang gặp phải” – ông Nguyễn Văn Thanh nói và cho rằng, việc dịch bệnh kéo dài và đang diễn biến phức tạp trong đầu năm mới 2021 là một dấu hiệu không mấy tốt lành với các DN nói chung và DN vận tải nói riêng.
“Năm 2021 khó khăn vì dịch bệnh đương nhiên vẫn sẽ rất lớn với các DN vận tải, thậm chí có thể khó khăn hơn vì sau một năm chống chọi với dịch bệnh vừa qua, nhiều DN đã kiệt quệ. Những gói hỗ trợ như hoãn nợ, giãn nợ cho DN ảnh hưởng bởi Covid-19 như đã thực hiện trong năm 2020 cần tiếp tục thực hiện trong năm 2021 này” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh phân tích.

"Bộ GTVT không thể giải quyết các kiến nghị của DN về thuế, phí. Chúng tôi sẽ tiếp thu và tham mưu cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để ban hành các chính sách hỗ trợ DN vận tải." - Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc