Doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nung: Khó tìm được chỗ đứng trên thị trường

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến hầu hết các ngành sản xuất, trong đó ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung và VLXD không nung nói riêng cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này.

Chất lượng chưa đảm bảo
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam TS Thái Duy Sâm cho biết, hiện nay, đối với ngành sản xuất VLXD nói chung, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương xóa bỏ các công nghệ lạc hậu, đầu tư công nghệ tiên tiến. Nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, không đủ năng lực tài chính để đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại nên vẫn còn công nghệ lạc hậu.
“Riêng lĩnh vực VLXD không nung có 43% số dây chuyền sản xuất gạch bê tông, chiếm 17% tổng công suất thiết kế có quy mô nhỏ công nghệ lạc hậu, hầu hết các dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp, bê tông bọt đều có quy mô nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến” - TS Thái Duy Sâm cho hay.
VLXD không nung khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.
KTS Trần Hoàng - Văn phòng KTS Huy Hoàng cho biết, qua triển khai thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình nhà ở, có đến 80% người dân đều yêu cầu sử dụng gạch đất sét nung.
“Thực tế thi công tại một số công trình có sử dụng VLXD không nung, chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện hiện tượng rạn nứt tường, thấm nước làm ảnh hưởng đến chất lượng và mỹ quan công trình, nên người dân chưa tin dùng” - KTS Trần Hoàng cho hay.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Cũng theo TS Thái Duy Sâm, lĩnh vực  sản xuất VLXD không nung không phải vì dịch bệnh mới gặp khó, mà bản thân nội tại sản phẩm này đã có nhiều hạn chế về chất lượng chưa khắc phục được, khiến người tiêu dùng e dè sử dụng. Điều đó khiến sản phẩm gạch không nung khó tiếp cận được thị trường và khi đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lại càng trở nên khó khăn hơn.
“Giai đoạn này cũng là thời gian để các doanh nghiệp sản xuất VLXD không nung củng cố lại hoạt động sản xuất, trên cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho khách hàng và cũng là cầu nối tốt nhất giữa nhà sản xuất với thị trường” - TS Thái Duy Sâm cho biết thêm.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, BĐS là ngành kéo theo sự phát triển của khoảng hơn 90 ngành nghề khác, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến sản xuất VLXD.
“Trong thời gian qua, khi thị trường BĐS đi xuống thì ngành sản xuất VLXD cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, các bộ, ngành cần phải sớm tham mưu với Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tín dụng, pháp lý... cho doanh nghiệp BĐS, để các ngành kinh tế liên quan trở lại nhịp độ phát triển bình thường” - ông Nguyễn Trần Nam nhìn nhận.