Doanh nghiệp Việt chủ động để thắng lợi trong hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo TS Trần Du Lịch, mặc dù có thách thức nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, chủ động để thắng lợi trong hội nhập.

PV đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Du Lịch - Ủy viên ủy ban kinh tế của quốc hội - về vấn những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ông có thể phân tích về thời cơ ta có như thế nào từ hội nhập?

TS Trần Du Lịch: Trong thời đại ngày nay, tiến hành công nghiệp hóa đất nước, chúng ta phải trở thành nước phát triển, đây là thời cơ. Chúng ta tiến hành như chủ trương của Đảng, chủ động, tích cực để khai thác được thế mạnh của thị trường thế giới, của thành tựu khoa học công nghệ.

Đặc biệt, chúng ta ở trong điều kiện, chúng ta có ổn định, có khao khát dân tộc để tận dụng thời cơ này. Dân tộc chúng ta có thể thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn nhất để chúng ta có thể phát triển. Với lòng tin về tương lai, thành công thì chúng ta phải tận dụng để phát huy sức mạnh dân tộc, tận dụng mọi nguồn lực để làm sao chúng ta rút ngắn quá trình công nghiệp hóa đất nước.
TS Trần Du Lịch - Ủy viên ủy ban kinh tế của quốc hội.
TS Trần Du Lịch - Ủy viên ủy ban kinh tế của quốc hội.
Qua những bất ổn về kinh tế vĩ mô, bước vào năm 2016, chúng ta có kinh tế nền tảng vĩ mô khá ổn định, lạm phát không còn ám ảnh, an toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng, đặc biệt, bộ phận doanh nghiệp khó khăn cũng đã phục hồi. Môi trường đầu tư được cải thiện, hệ thống pháp luật hoàn thiện, thể chế thị trường chúng ta có bài học kinh nghiệm. Chúng ta có hình thành đội ngũ doanh nhân trong nước chưa mạnh nhưng so với năm trước là tương đối. Chúng ta chủ động và thành công khi tham gia các Hiệp định FTA, ký hàng loạt và sắp kết thúc một số Hiệp định khác liên quan đến tạo điều kiện mở rộng thị trường, đặc biệt là vừa ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nền kinh tế Việt Nam có vị trí trên thương trường, trong quan hệ thương mại, đầu tư. Mặc dù có thách thức nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, chủ động để thắng lợi trong hội nhập. Còn trong bối cảnh bất ổn của nhiều khu vực, chúng ta có điều kiện chính trị, an ninh tương đối ổn định, vì vậy chúng ta phải tận dụng để chúng ta phát triển.

Ông vừa đánh giá các doanh nghiệp cũng đã có sự chủ động, vậy thì từ vĩ mô đến các doanh nghiệp kinh doanh là như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Trước hết, hội nhâp thì vai trò chủ thể là doanh nghiệp, còn vai trò của nhà nước là tạo ra môi trường tốt, môi trường kinh doanh ổn định, bình đẳng để tạo ra sân chơi tốt. Để hội nhập thì chúng ta phải tiến hành từ 2 phía. Doanh nghiệp phải biết được mình đang đứng đâu. Thành công là những nỗ lực tìm ra cạnh tranh mà mình có thể làm được. Còn phía nhà nước phải làm đúng chức năng của mình, nhà nước không làm thay doanh nghiệp nhưng phải tạo ra cuộc chơi công bằng. Nhà nước muốn doanh nghiệp hội nhập được thì hành chính phải hỗ trợ phục vụ, không phải làm khó cho doanh nghiệp. Chúng ta làm được từ 2 phía thì mới tạo được niềm tin.
Doanh nghiệp Việt tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh minh họa: Internet)
Doanh nghiệp Việt tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh minh họa: Internet)
Hiện nay, một số tỉnh, địa phương người ta đưa ra thông điệp khi kêu gọi đầu tư cam kết. Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ra nội dung, làm những gì để chính quyền là người chia sẻ, đồng hành khó khăn của doanh nghiệp. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nhà nước, doanh nghiệp như “2 bàn tay” thì “tiếng kêu sẽ to hơn”. Doanh nghiệp sẽ phát triển được.

Để vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ thì ngay từ nội tại chúng ta phải gỡ bỏ rào cản, theo ông hiện nay còn rào cản lớn nào?

TS Trần Du Lịch: Có nhiều tiến bộ nỗ lực nhưng không ai có thể cam kết rằng, những tiêu cực có thể mất đi được. Chúng ta nói rất nhiều, nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Chúng ta có hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ nhưng nền kinh tế vẫn thiếu, đây là liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực. Rồi những doanh nghiệp chân chính thì có cơ hội phát triển, còn doanh nghiệp làm ăn không chân chính sẽ không tồn tại được. Tôi cho rằng, thách thức ở chính mình, nếu chúng ta vượt qua chính thì chúng ta sẽ vượt qua tất cả.

Quá trình tái cơ cấu kinh tế cần phải đẩy nhanh hơn nữa, theo ông, đã xác định ra tái cơ cấu, đột phá thì đến thời điểm này cần tập trung vào trọng điểm nào?

TS Trần Du Lịch: Những vấn đề tôi nêu thì từ đại hội XI đã nêu ra tái cơ cấu, đặc biệt thì có 3 đột phá chiến lược, thể chế kinh tế, nguồn nhân lực, đào tạo và vấn đề hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới. Những đột phá chiến lược như vậy, tôi cho rằng đang làm khá tốt. Nhưng tôi cho rằng, trong 3 đột phá này thì thể chế vẫn là ít tốn kém và hiệu quả nhất nhưng cái này khó nhất.

Quốc hội đã đổi mới một loạt các luật được đổi mới mạnh mẽ nhưng thực thi luật là do con người. Chúng ta cải cách về thủ tục, thể chế nhưng chúng ta chưa tổ chức lại bộ máy phù hợp. Thể chế, bộ máy, con người là 3 bộ phận cấu thành một nền hành chính ưu việt. Hiện nay chúng ta làm chưa đồng bộ. Hy vọng từ 2016 trở đi, chúng ta sẽ quy hoạch tương đối đồng bộ. Chỉ có nền hành chính tốt thì mới phát triển được.

Trong Hội nhập, vấn đề độc lập kinh tế lại được đặt ra cấp thiết, qua những theo dõi nghiên cứu của mình theo ông, độc lập kinh tế trong bối cảnh hiện nay bao hàm những vấn đề gì?

TS Trần Du Lịch: Để bảo đảm độc lập kinh tế thì đầu tiên, năng lực cạnh tranh Quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm thì 3 lĩnh vực này phải nâng lên. Năng lực cạnh tranh trong quan hệ kinh tế, tạm gọi là thế mạnh. Năng suất chúng ta thấp so với các nước cũng là thế yếu. Trước hết để đảm bảo độc lập tự chủ kinh tế, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất toàn xã hội lên.

Chúng ta phải biết lựa chọn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta chọn chỗ nào, chúng ta quan hệ với các nước, các nơi, đó là quan hệ tương thuộc, có nghĩa là “tôi cần anh, anh cần tôi”. Để có thể hấp thụ được nguồn vốn, chúng ta phải nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ, đó là nguồn nhân lực, về vốn, công nghệ, khoa học. Trong chuỗi giá trị đó, chúng ta bắt buộc phải có chỗ đứng, ở những sản phẩm nhất định. Thế giới đang phát triển, hội nhập nhưng không phải không có mâu thuẫn hay lợi ích quốc gia, khu vực, những cái đó cần phải đấu tranh, tính toán, cần có bước đi. Vẫn có tính chất cục bộ, lợi ích vẫn có mực độ.

Sau 30 năm đổi mới, hiện nay đến lúc cần phát triển hội nhập sâu. Theo ông, giá trị mới, thay đổi tư duy sẽ cần phải bắt đầu như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Chính sách chúng ta có nhiều, tất cả tư duy thay đổi cấu trúc nền kinh tế thể hiện từ từng Đại hội hay quyết định của Chính phủ là đều có. Chúng ta thực hiện như thế nào bằng cách chính sách cụ thể. Chúng ta thay đổi tư duy quản lý kinh tế, trong điều kiện vận hành kinh tế thị trường, nhà nước không làm thay thị trường được. Vấn đề là muốn phát triển cái gì thì dùng chính sách tác động vào thị trường, doanh nghiệp, người dân thấy làm theo có lợi cho họ thì họ làm theo. Chúng ta thay tư duy, nhà nước, nghĩ thay thị trường, làm thay thị trường trong quản lý kinh tế. Đổi mới hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường một cách đúng đắn và phù hợp hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần