Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2017 với chỉ số sản xuất toàn ngành trong 11 tháng đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Từ số liệu này, tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A)” tổ chức ngày 19/12, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những DN nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp, tiềm năng vốn lớn, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển hơn.
|
Các đại biểu chia sẻ với các doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên |
Thị trường M&A thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài, tiêu biểu như: Tập đoàn SCG và Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia, hay Công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt… Đặc biệt, chiều 18/12, công ty có liên quan đến tỷ phú Thái Lan ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua chóng vánh 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. “Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các NĐT nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp” – ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A đứng trước những cơ hội phát triển mới, đặc biệt là các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, nhiều NĐT nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những DN đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hoá mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Trong đó, các NĐT châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hiện đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất… Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) Trần Kim Oanh cho biết, khu vực được đánh giá có nhiều NĐT lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng.
Doanh nghiệp Việt vẫn khó cạnh tranhTheo Phó Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam Nguyễn Quốc Việt, M&A ở Việt Nam vẫn còn khá mới, nhưng nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản và công nghệ. “Các thương vụ M&A lớn thời gian qua 75% là của các DN nước ngoài và đang dẫn dắt cuộc chơi” – ông Việt chỉ ra, đồng thời cho rằng, NĐT nước ngoài chấp nhận mua giá cao vì kỳ vọng sự tăng trưởng không chỉ 1 con số, mà là 2, thậm chí 3 con số cho các ngành hàng như tiêu dùng, bán lẻ.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Việt cho biết, tiềm năng phát triển đang rất lớn. Về thương vụ Sabeco, theo ông Việt, DN bia của Thái Lan đang chiếm tỷ trọng rất lớn về ngành bia. Nhận thấy sự tương đồng tại Việt Nam nên NĐT có thể đưa bia Thái vào hoặc mang bia Việt Nam sang Thái. Khi NĐT tham gia vào Sabeco thì sẽ thay đổi cách quản trị hoặc có thể thay đổi công nghệ để cho ra loại bia mới. Tuy nhiên, đó vẫn là việc trong tương lai. Cũng theo ông Việt, các NĐT của Việt Nam không thể cạnh tranh và rõ ràng là khó có thể mua lại được Sabeco vì số tiền quá lớn.
Nhiều ý kiến kỳ vọng trong tương lai, các NĐT Việt Nam có thể liên kết lại để cạnh tranh với các DN nước ngoài trong các thương vụ M&A.