Doanh nghiệp Việt Nam: Đừng để thua thiệt vì thiếu hiểu biết!

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Việt Nam gia nhập nhiều sân chơi lớn với 13 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã và đang mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Nếu muốn giành lợi thế trên sân nhà, không có cách nào khác, DN Việt phải nâng cao năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Dây chuyền đóng gói đường tinh luyện tại Sơn La. Ảnh: Trần Anh
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt
Chia sẻ tại hội thảo “Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/10, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đã xuất hiện, gây thiệt hại không nhỏ và đe dọa tới lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Sự thiệt hại gần đây nhất không thể không nhắc tới đó là ngành mía đường. Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan trong khối ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, 7 tháng năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều DN trong nước cho rằng, rất có khả năng một số DN nhập khẩu đường thô từ Thái Lan về Lào và Campuchia để tinh luyện, từ đó xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh PVTM.

Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng nhận định, công cụ PVTM có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa Việt Nam cũng như các ngành sản xuất ở Việt Nam. Song hiện nay, DN và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ này. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát mới đây của Cục PVTM, hiện có tới 15% số DN không biết gì về PVTM, trong khi chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, còn đa phần DN có nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này. Thậm chí, có DN bị điều tra PVTM nhưng không hề hay biết. Đây cũng là điểm yếu của nhiều DN Việt Nam trên sân chơi lớn toàn cầu.

Chủ động ứng phó

Thực tế cho thấy, các cơ chế tiến hành PVTM theo từng FTA đã có, nhưng vấn đề là các DN, hiệp hội ngành hàng phải chủ động nắm bắt, hiểu rõ quy định để áp dụng. Theo đó, DN cần nắm bắt kịp thời thông tin các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá tác động. Từ đó cùng các cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước.

Mặt khác, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, các DN cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá; coi PVTM là một phần phải chuẩn bị trong chiến lược sản xuất, kinh doanh… “Cùng với việc nâng cao hiểu biết để bảo vệ chính mình, các DN cũng phải kiên quyết không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn hành vi “ăn xổi ở thì” của một vài trường hợp làm ảnh hưởng tới nhiều DN sản xuất, kinh doanh chân chính” - bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc cảnh báo sớm thông qua việc thường xuyên cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ để các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường giám sát, theo dõi và có các biện pháp xử lý phù hợp. Mặt khác, Bộ cũng tập trung cảnh báo và khuyến nghị DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xử lý vụ việc; chủ động cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc. “Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, Cục hướng dẫn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho DN. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trả lời bảng câu hỏi điều tra nhằm hỗ trợ DN xử lý vụ việc” – ông Lê Triệu Dũng cho hay.
Nhằm khai thác hiệu quả, bền vững các FTA, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần