Doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm quản trị để ra biển lớn

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/7 tại TP Hồ Chí Minh, SAP (System Application Programing), Đông Nam Á đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh sáng tạo châu Á 2019”.

Khoảng 400 DN đã đến tham gia, học hỏi những thành công của các DN đã ứng dụng cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản trị DN.
Đưa nông sản Việt ra thế giới nhờ công nghệ quản trị
Lavifood là một cái tên khá mới mẻ trong làng DN Việt Nam, cũng chưa phải là một DN lớn nhưng được SAP Đông Nam Á mời đến hội nghị thượng đỉnh sáng tạo châu Á để chia sẻ những thành công, những kinh nghiệm quản trị DN, giúp DN trẻ này đi xa ra thị trường thế giới.
Chia sẻ với hội nghị, ông Phạm Ngọc Ân - thành viên HĐQT Lavifood cho biết, mục tiêu của Lavifood trong thời gian tới sẽ là số 1 ở thị trường Việt Nam, top 10 châu Á, top 20 thế giới. Bởi Việt Nam có những lợi thế để có thể biến thành vựa trái cây của thế giới, tiềm năng về trái cây Việt Nam vẫn còn rất lớn. Các mặt hàng chủ lực của Lavifood là trái cây tươi, trái cây đông lạnh, nước ép... Hiện nay, Lavifood chủ yếu xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ; xuất khẩu thanh long qua thị trường Trung Quốc; xuất khẩu chanh dây, xoài  vào Châu Âu và Hàn Quốc... 
 Các diễn giả trao đổi thông tin tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Quân
Cũng theo ông Phạm Ngọc Ân, Lavifood có 4 sứ mệnh: Mang sản phẩm là nông sản Việt Nam đến khách hàng toàn cầu với giá hợp lý, làm sao để người nông dân bán được nông sản với giá phù hợp tốt hơn nhiều; cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và người sản xuất; Trách nhiệm xã hội trước các vấn đề lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, trí thuệ nhân tạo, đói nghèo; tối đa hóa quyền lợi của các nhà đầu tư.
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ và Trung Đông, ông Phạm Ngọc Ân cho biết cần phải có một số chứng nhận về sản xuất; máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại... để chứng minh chất lượng sản phẩm tốt.
Lavifood thuyết phục người tiêu dùng quốc tế khó tính bằng cách đáp ứng các thông tin về sản phẩm như giống gì, phân thuốc nào được sử dụng trong quá trình trồng trọt, thời gian cách ly bao lâu... Khách hàng cần thông tin chi tiết về sản phẩm như nguyên liệu về nhà máy ngày nào... Lavifood mong muốn nâng tầm nông sản Việt Nam.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Ân, tất cả các công đoạn từ trồng trọt, chăm bón ở nông trại, thu hoạch... đều được tối ưu hóa nhờ công nghệ. Các kỹ sư dựa vào công nghệ có thể biết được, đối với một loại cây trồng 6 tháng, bộ rễ ăn sâu bao nhiêu, tưới bao nhiêu nước, phân bón bao nhiêu là đủ, nếu tưới dư là lãng phí... Trong nông trại, dịch bệnh được tiên đoán để ngăn chặn.
Đối với nguyên liệu đầu vào, hiện nay Lavifood vẫn phải thu mua sản phẩm của nông dân thông qua các thương lái. Các thương lái làm ăn với Lavifood đăng nhập vào hệ thống, chào giá, hệ thống sẽ tự động khớp lệnh.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Lavifood đã có một mạng lưới kinh doanh rộng khắp, và ước mơ của Lavifood mang sản phẩm VN đến bàn ăn quốc tế. Bất cứ ai cũng có thể thành sale của Lavifood. Trong nội bộ Lavifood, khi các đơn hàng được đẩy về, nó sẽ tự động khớp cho nhà máy nào sản xuất.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang hội nghị, ông Phạm Ngọc Ân cho biết, doanh số năm 2018 của Lavifood là 700 tỷ đồng. Hiện nay, Lavifood đang mở rộng vùng nguyên liệu ở Tây Ninh và một nhà máy chế biến.
Nâng tầm doanh nghiệp nhờ quản trị
Tại hội nghị sáng tạo Châu Á 2019, một số DN lớn của Việt Nam như Sacombank, Tập đoàn Tân Thanh, Ecopak cũng chia sẻ về những trải nghiệm, thành quả sau khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản trị DN.
Ông Hang Yong Nan - Giám đốc công nghệ thông tin của Tập đoàn Tân Thanh cho biết, Tập đoàn Tân Thanh là DN chiếm 60% thị phần vận tải container hiện nay, ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như semi rơ mooc, logistic...
Cũng theo ông Hang Yong Nan, trước khi ứng dụng công nghệ quản trị mới, Tập đoàn Tân Thanh ứng dụng phần mềm kế toán để quản trị doanh nghiệp, có 13 master data; chủ DN nhận thấy sau 20 năm thì doanh số vẫn tăng đều đều.
Tuy nhiên, khi đánh giá một cách thận trọng, HĐQT đã nhận thấy nếu không ứng dụng công nghệ mới để quản trị thì họ có những rủi ro, các dịch vụ khách hàng không được đánh giá cao, hậu quả của việc quản trị kiểu cũ làm doanh nghiệp mỗi năm mất 5 tỷ đồng... Sau khi ứng dụng công nghệ mới để quản trị DN, hệ thống dữ liệu được hợp nhất, DN làm ăn hiệu quả hơn rất nhiều.
Ông Đinh Đức Tùng - Giám đốc tài chính của Ecopark cho biết, trước khi áp dụng mô hình quản trị DN mới, mỗi phòng ban là thành lũy có số liệu riêng. Sau khi chuyển đổi, DN chỉ có chung một kho dữ liệu chung, nâng cao hiệu năng lao động, việc chăm sóc khách hàng tốt hơn, gần 5 năm triển khai, phản hồi tốt hơn, quản trị hệ thống, giúp cho các bộ phận phản ứng rất nhanh.
Một DN khác như Sacombank cũng chia sẻ những trải nghiệm, hiệu quả để giúp khách hàng có thể thụ hưởng những dịch vụ tốt hơn từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị DN.