“Doanh nghiệp Việt phải thực sự tạo niềm tin với người tiêu dùng”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thực sự tạo ra niềm tin đối với người tiêu dùng. Làm cho người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thật sự có chiều sâu.

Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 1/11, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đánh giá tình hình hình kinh tế - xã hội năm 2017 có nhiều điểm nổi bật như dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%GDP, cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao sẽ hoàn thành. Điều đó khẳng định chuyển biến mạnh mẽ và khá toàn diện của nền kinh tế nước ta, nhất là về xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp chế biến. 
 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận
Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ vững ổn định và có chiều hướng bền vững. Thể hiện tập trung nhất ở mức tăng trưởng cao và lạm phát ở mức cho phép. Trong khi một số mặt hàng đã và đang điều chỉnh sát với giá thị trường. Qua đây cho thấy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, có nhiều lĩnh vực chuyển biến khá nhanh. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại hạn chế như các động lực tăng trưởng chưa phát huy mạnh; chất lượng tăng trưởng dù đã được cải thiện nhưng tăng trưởng vẫn dựa vào vốn, năng suất lao động chưa tăng nhiều, cơ cấu kinh tế chưa được cải thiện...
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu thống nhất cao với 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội và mục tiêu tăng trưởng 6,5% đến 6,7% GDP. Với mức tăng trưởng này nền kinh tế có đủ điều kiện để củng cố tăng cường hơn nữa về chất lượng của tăng trưởng, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu của năm 2018, ngoài các giải pháp của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh, cần phải hướng mạnh vào động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và dựa vào tiêu dùng nội địa. Theo đó, cần tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống.

Đại biểu nhấn mạnh: “Mở rộng thêm các thị trường mới, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao niềm tự hào dân tộc của người tiêu dùng đối với hàng nội địa. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thực sự tạo ra niềm tin đối với người tiêu dùng. Làm cho người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thật sự có chiều sâu”.

Bên cạnh đó, hoàn thiện sâu hơn về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thể chế về sở hữu. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế xong phải thực sự nắm giữ vai trò chỉ huy về kinh tế và công nghệ, đủ sức dẫn dắt nền kinh tế nước ta.

Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp mang tính tập trung, có điều kiện ứng dụng công nghệ cao, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và giá trị nông sản, tạo lập cơ chế môi trường kinh tế - xã hội phù hợp nhằm phát huy mạnh mẽ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thu hút vốn và công nghệ. Mặt khác, tích cực ngăn chặn tình trạng lợi dụng sơ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào nước ta, luồn lách quy định của ta đối với đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu cần có giải pháp căn cơ, chủ động, hiệu quả để hạn chế rủi ro và thiệt hại, có biện pháp đủ mạnh đối với các sai phạm của tổ chức và cá nhân liên quan đến môi trường sinh thái, làm cho tình hình biến đổi khí hậu ngày càng thêm phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của nhân dân.

Đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương từ Trung ương đến cơ sở, tránh tình trạng trên quyết liệt dưới thờ ơ nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần