Doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích nghi, lạc quan về tăng trưởng

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa có báo cáo kết quả khảo sát động thái DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quý I/2021.

Báo cáo nhận được sự tham gia của đông đảo DN trong vùng thuộc nhiều loại hình khác nhau và được lựa chọn ngẫu nhiên, không phân biệt quy mô về vốn hay lao động.
Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội nhưng hầu hết các DN trong vùng đều có góc nhìn khả quan và dự báo tình hình kinh doanh được cải thiện hơn so với cùng kỳ.
Sự lạc quan một phần là do các DN đã dần thích nghi và có những kế hoạch phát triển trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho DN.
 Doanh nghiệp vùng ĐBSCL thích nghi, lạc quan về tăng trưởng.
Kết quả khảo sát quý I cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL vẫn đang ổn định và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, lượng đơn đặt hàng và giá bán sản phẩm của các DN đều tăng rõ rệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là tiền đề cho việc cải thiện các hoạt động kinh doanh trong quý II khi nhiều DN lạc quan về tình hình tăng trưởng doanh thu do thị trường dần hồi phục.
Mặt khác, báo cáo cũng ghi nhận sự biến động về lao động tại các DN. Tình trạng nhân viên nghỉ việc sau Tết vẫn còn xảy ra, gây thiếu hụt lao động và không đáp ứng được nhu cầu công việc của DN. Do đó, nhu cầu về lao động vẫn tiếp tục là vấn đề lớn đối với DN trong dự báo quý II.
Theo VCCI Cần Thơ, quý I/2021, vùng ĐBSCL có 3.326 DN gia nhập thị trường, trong đó có 2.462 DN thành lập mới (số vốn đăng ký mới 34.055 tỷ đồng) và 864 DN quay trở lại hoạt động. Trong khi có 2.097 DN rút khỏi thị trường (1.541 DN tạm ngừng hoạt động và 556 DN đã giải thể).
Long An là địa phương dẫn đầu về số lượng DN thành lập mới, kế đến là Kiên Giang, Cần Thơ… Còn về số vốn đăng ký, Kiên Giang là địa phương dẫn đầu, tiếp đến là Long An, Trà Vinh…
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Long An là tỉnh có số dự án và vốn đăng ký mới nhiều nhất vùng trong quý I/2021 với 13 dự án (gần 3,2 tỷ USD), kế đến là Cần Thơ (1 dự án, vốn hơn 1,3 tỷ USD) và Vĩnh Long (2 dự án, vốn 0,74 tỷ USD).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL quý I/2021 đạt 7,5 tỷ USD (tăng 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020), trong đó thặng dư thương mại đạt 1,6 tỷ USD (giảm 0,2 tỷ USD so với cùng kỳ).
Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 được VCCI công bố gần đây, vùng ĐBSCL có 4 tỉnh nằm trong top 10 cả nước là Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Bến Tre.
Trong đó, có 2 tỉnh thuộc nhóm điều hành “Rất tốt”, gồm Đồng Tháp (tiếp tục duy trì vị trí thứ 2) với 72,81 điểm và Long An vươn lên vị trí thứ 3 với 70,37 điểm (tăng 5 bậc so với năm 2019).
Mức điểm số PCI trung bình của vùng ĐBSCL cao hơn 0,68 điểm so với cả nước nhưng lại giảm 2,14% so với chính mình năm 2019…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần