Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền: Khao khát đưa nông sản Việt ra thế giới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khát khao đưa nông sản Việt chinh phục thế giới, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền-Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) đã chấp nhận đi con đường đầy chông gai, đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Con đường chông gai
Tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực làm sạch công nghiệp, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp; mua bán các loại phế liệu công nghiệp; sản xuất bao bì công nghiệp, đóng gói… doanh nhân Bảo Hiền đã xây dựng được một sự nghiệp ổn định với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhưng năm 2015, bà lại quyết định tay ngang sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây được cho là một quyết định mạo hiểm và nhiều chông gai.
 Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền - Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hiền Lê. Ảnh: Phương Nga
Chia sẻ về lý do quyết định rẽ ngang sang lĩnh vực này, bà Hiền trải lòng: Tôi vốn xuất thân là một nông dân, từng được đi nhiều nơi trên thế giới, đến những nơi mà người dân cũng làm nông nghiệp nhưng họ lại rất giàu có. Ngược lại, người nông dân nước mình lam lũ, vất vả quanh năm nhưng vẫn nghèo.
Nhìn họ tôi thấy chạnh lòng và thầm nghĩ, tại sao người dân Việt Nam không làm được như vậy? Mặt khác, nhu cầu về thực phẩm sạch đã qua chế biến của các nước rất lớn. Trong khi, công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam. Nếu được đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, DN lẫn nông dân đều được hưởng lợi. Từ đó, tôi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp sạch, với việc ứng dụng công nghệ cao.
Sau nhiều năm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở các nước tiên tiến đi trước, năm 2015 bà bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao với việc đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại Hải Dương và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn tại Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình… Tập trung vào các sản phẩm chính như khoai sọ, đậu tương, vải thiều…
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, DN của bà phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đầu tiên là ruộng đất manh mún, khó đưa công nghệ, máy móc vào sản xuất. Ngoài ra, tư duy của người nông dân vẫn theo tập quán sản xuất cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, cho nên đồng đất 100% là nhiễm hóa chất. Điều này khiến công ty phải mất 3 năm cải tạo đất, tiêu tốn một khoản vốn không nhỏ.
Thời điểm này, công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, cải thiện đồng đất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân. Đưa máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó hướng vào sản phẩm xuất khẩu để có thể đi đường dài.
Chấp nhận đi đường dài
Theo bà Hiền, đã làm DN thì ai cũng phải tính toán nhưng nếu cứ vì cái lợi trước mắt, mà không tính đến hiệu quả lâu dài thì sẽ rất khó thành công. Là một người từng trải trên thương trường bà hiểu rất rõ những khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp còn khó hơn gấp trăm lần.
Thực tế, đã có nhiều người bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực này nhưng đều thất bại, nguyên nhân vì họ có tư duy “ăn xổi”, không kiên trì. Bà Hiền tâm sự: Khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, chúng tôi xác định đây sẽ là một cuộc chiến trường kỳ, sẽ phải có đủ trí và lực để đi đường dài và không thể bỏ cuộc giữa chừng.
Trong 4 năm qua, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng thực sự chưa thu được một đồng lợi nhuận nào. “Rất may, Hiền Lê Group sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, vì vậy chúng tôi có đủ lực để đầu tư cho nông nghiệp. Tôi hy vọng là trong 3 hoặc 5 năm tới chúng tôi sẽ thu lời” – bà Hiền cho hay.
Với phương châm, uy tín và chất lượng chính là yếu tố quan trọng để thâm nhập các thị trường kỹ tính. Vì vậy, Hiền Lê Group đã không ngại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Công ty đã hợp tác với các chuyên gia đến từ Tập đoàn Nosui (Nhật Bản) hỗ trợ trong tất cả các khâu: Trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... Đối với vùng sản xuất, công ty hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa để giảm sức lao động, sản xuất theo quy trình sạch. Đây cũng là lý do nhiều năm qua không chỉ đậu tương, rau, mà cả khoai sọ hay vải Thanh Hà thành phẩm đều chiếm được cảm tình của các đối tác nước ngoài. Hiện sản phẩm nông nghiệp của Hiền Lê Group đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Với mục tiêu làm lớn để tận dụng cơ hội thị trường, năm 2019, Hiền Lê sẽ phát triển thêm 200ha trồng đậu tương, phấn đấu đến cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm 2020 sẽ tăng lên thành 500ha. Năm 2019, Công ty có kế hoạch xuất khẩu 1.500 tấn đậu tương, 500 tấn khoai sọ, 100 tấn vải cấp đông, nâng cấp công suất nhà máy lên gấp 3 lần.

"Làm nông sản sạch là khao khát của tôi. Mục đích trước tiên là để phục vụ cuộc sống của chính chúng ta, sau đó là hướng tới xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân. " - Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần