Doanh nhân Việt Nam: Khi “Tổ quốc gọi tên mình”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bức thư cuối cùng gửi đội ngũ doanh nhân trước khi về với thế giới người hiền, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò “nhạc trưởng” tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”. Hơn bao giờ hết, giờ đây sứ mạng DN Việt gắn liền với sứ mạng quốc gia.

Viettel là một trong những tập đoàn công nghệ chủ lực của Việt Nam.
Hơn 3 thập kỷ qua, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới, với trên 700.000 DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. 
“Người lính” thời bình
Doanh nhân Việt Nam sau “giấc mơ nho nhỏ” riêng cho gia đình và DN mình đã tính đến việc chung tay, góp sức làm giàu cho đất nước. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” (theo cách nói của Bác Hồ) đã và đang là mục tiêu, là đích đến của mỗi doanh nhân.
Nếu xét về mặt toán học, số lượng DN trên dân số, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Chúng ta đã có những tập đoàn mà tên tuổi đã vượt qua biên giới như Vingroup, Doji, Masan, Viettel, FPT… Nhưng công bằng mà nói về chất lượng, DN Việt chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN.
Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới nhưng số đó còn quá ít ỏi. Ba DN hàng đầu Việt Nam năm 2019 là Samsung Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ thuộc nhóm công ty hạng trung trong khu vực.
Bảng xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các DN niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực DN theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình. Công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế và trên mặt trận kinh tế thì không ai khác DN, doanh nhân là lực lượng chủ công. DN là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
Vì một Việt Nam hùng cường, điều đầu tiên phải nghĩ đến là không đơn thuần tập trung vào số lượng DN mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các DN trong nền kinh tế. Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng.
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế Thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam mới đứng thứ hạng 67. Điều này khiến chúng ta đang gặp khá nhiều khó khăn trong nền kinh tế hội nhập.
Đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”
Sau hành trình “thoát nghèo”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang hướng tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có. Nó đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu. Doanh nhân Việt - “những người lính thời bình” phải giữ vai trò động lực chính trong quá trình này.
Đã đến lúc, các doanh nhân Việt phải đối diện với các vấn đề lớn và nóng. Phải chăng công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay vì đi làm thuê, gia công cho nước ngoài, đã đến lúc các DN Việt Nam cần làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh.
Tuy nhiên, để có được vị trí đó trước hết phải khai thông nội lực, huy động nguồn lực chất xám để có những nghiên cứu, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá thành cạnh tranh, đồng thời việc nhận chuyển giao công nghệ nguồn.
Đổi mới sáng tạo đã và đang là yếu tố sống còn của DN và của nền kinh tế khi cạnh tranh. Nền kinh tế số đã xuất hiện và sẽ là mũi nhọn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Việt Nam với 50.000 DN đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD/năm là con số quá khiêm tốn. Con số thương mại trên nền tảng số chỉ đem lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP cũng được đánh giá là chưa tương xứng.
Cơ hội và thách thức
Thực tế Trung quốc và các nước khu vực cho thấy, nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thu hẹp sản xuất. Các nền kinh tế thế giới có xu hướng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy.
Đây thực sự là thách thức đối với DN Việt Nam, lâu nay vốn quen với nền tế vừa và nhỏ, tận dụng lao động nhàn rỗi. Không còn cách nào khác, cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Đây là lúc những doanh nhân Việt phải thể hiện bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, sẵn sàng đương đầu và chấp nhận rủi ro. Sau hàng thập kỷ chuyên lắp ráp, gia công, đã đến lúc và chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt. Dù muộn nhưng khẩu hiệu: “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất” (Make in Việt Nam) phải là kim chỉ nam trong giai đoạn tới.
Chính phủ đang dốc sức xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các DN công nghệ.
Đây là thời điểm các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng tới mục tiêu tháo gỡ hết những khó khăn về mặt thể chế, quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đóng chân trên địa bàn Thủ đô, chất lượng nguồn nhân lực cao nhất cả nước, các doanh nhân Hà Nội đang có điều kiện để đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Người dân Thủ đô chờ đợi sớm có thêm những thương hiệu lớn của Hà Nội có tên trên thị trường châu lục và thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần