Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong một tuần biến động

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ kết thúc một tuần đầy biến động với mức tăng khiêm tốn nhờ số liệu tiêu dùng Mỹ lạc quan.

Chỉ số Dow Jones khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 16/10, ghi nhận phiên leo dốc đầu tiên trong 4 phiên, sau khi dữ liệu tiêu dùng mạnh mẽ tại Mỹ khép lại một tuần đầy biến động, 
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones cộng 112,11 điểm (tương đương 0,4%) lên 28.606,31 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích nhẹ lên 3.483,81 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 0,4% xuống 11.671,56 điểm.
Chứng khoán Mỹ chốt tuần giao dịch biến động với mức tăng khiêm tốn.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều tăng mạnh trong phần lớn phiên ngày 16/10, tuy nhiên đánh mất đà tăng trong giờ giao dịch cuối cùng khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn bị bán tháo.
Dù vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Riêng Nasdaq đã đi lên 4 tuần liên tục.
Doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 9 tăng 1,9%, vượt dự báo của Dow Jones là 0,7%, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Chỉ số bán lẻ Mỹ cũng chứng kiến tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
Chiến lược gia thị trường Quincy Krosby tại Prudential Financial nhận xét: "Nền kinh tế vẫn đang cho thấy sự hồi phục. Tuy nhiên, đà hồi phục này cần mở rộng hơn. Với những người vẫn giữ được việc làm, nền kinh tế Mỹ đúng là đang phục hồi. Nhưng vấn đề quan trọng đối với nhà đầu tư là nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục tăng, liệu doanh số bán lẻ có tiếp tục tăng hay không?".
Boeing dẫn đầu đà tăng của Dow Jones trong phiên thứ Sáu, với 1,9% sau thông tin giới chức hàng không châu Âu kết luận dòng máy bay Boeing 737 Max đã an toàn để được bay trở lại.
Cổ phiếu của hãng dược phẩm Pfizer cũng leo dốc 3,8% sau khi tuyên bố sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 ngay khi đạt mốc thử nghiệm an toàn, dự kiến vào cuối tháng 11. Cổ phiếu Amazon lại giảm 1,9% do lo ngại về doanh số lễ mua sắm Prime Day của công ty này.
Nhóm cổ phiếu lĩnh vực sức khỏe và tiện ích có mức tăng mạnh nhất trong S&P 500, với hơn 1% mỗi ngành.
Trước đó, sàn Phố Wall lao dốc liền 3 phiên do bất ổn quanh việc đàm phán gói kích thích tài khóa bổ sung tại Mỹ, cũng như lo ngại về đại dịch Covid-19 tăng mạnh tại châu Âu và Mỹ.
Các nhà lập pháp tại Washington vẫn đưa ra các tín hiệu trái chiều về tiến triển đàm phán gói cứu trợ mới. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 15/10  cho biết Nhà Trắng sẽ không để những khác biệt về mục tiêu hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 làm chậm quá trình đàm phán gói kích thích kinh tế với đảng Dân chủ.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ nâng lời đề nghị gói kích thích kinh tế lên trên mức hiện tại là 1,8 ngàn tỷ USD. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 2,2 ngàn tỷ USD.
Tuần này, chính phủ Anh cũng đã thông báo siết chặt biện pháp hạn chế để kiểm soát Covid-19 tại thủ đô London. Chính phủ Pháp cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế. Còn Đức công bố các biện pháp mới để ngăn đại dịch lây lan.
"Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn tiếp tục biến động giữa kỳ vọng nền kinh tế tốt hơn và mối lo đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát cũng như dấu hiệu phục hồi kinh tế thế giới chững lại", các nhà phân tích của MRB Partners nhận định.
“Thị trường vẫn đang chờ đợi lực đẩy quan trọng liên quan đến các phương pháp điều trị và vacccine ngừa Covid-19 thành công, song đều nhận được những thông tin không khả quan trong tuần này”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần