Dốc sức chống lũ

Khắc Kiên - Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chiều ngày 29/7, mực nước sông Bùi tiếp tục lên cao và có nguy cơ tràn ở một số đoạn xung yếu tuyến đê tả Bùi từ địa phận xã Thanh Bình đến xã Trung Hòa.

Trước tình hình đó, ngay trong đêm ngày 29/7 và đến ngày 30/7, 2 xã Thanh Bình và Trung Hòa đã huy động toàn bộ lực lượng xung kích của xã tham gia hộ đê. Cùng với đó còn có sự hỗ trợ tích cực của hơn 300 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị quân đội.

Chủ động lực lượng, phương tiện

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước sông Bùi tiếp tục lên cao (tại Yên Duyệt 7,5m hồi 11 giờ ngày 30/7/2018, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m); mực nước các hồ: Hồ Miễu 39,6/39,5m; hồ Đồng Sương 18,35/18,2m; hồ Văn Sơn 19,75/19,5m. Nước nội đồng khu vực tả Bùi, hữu Đáy ổn định do các trạm bơm liên tục hoạt động. Nước tại các khu dân cư và đồng ruộng khu vực hữu Bùi tiếp tục tăng do trên địa bàn có mưa và nước từ Hòa Bình, Thạch Thất, Quốc Oai tiếp tục dồn về.
 Chiều 30/7, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 500 người gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và Nhân dân địa phương để chống tràn đê Tả Bùi.
Tại đoạn đê Bùi qua thôn Kim Nê, xã Thanh Bình, 19 giờ tối ngày 29/7 đã có gần 400 người gồm cán bộ, các ban ngành đoàn thể và người dân thôn Kim Nê đã tham gia hộ đê. Với tinh thần trách nhiệm, tích cực nên chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ bà con Nhân dân đã dùng bao tải đắp chống tràn được hơn 600m đê. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình Nguyễn Hữu Sáng cho biết, các đoạn đê tả Bùi đã được bà con Nhân dân xã Thanh Bình đắp bao tải cát để chống tràn. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã Thanh Bình duy trì toàn bộ lực lượng để túc trực dọc tuyến đê tả Bùi qua địa bàn xã. Đồng thời, xã đã chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra.

Ngay trong đêm 29/7 và ngày 30/7, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Minh Ngọc đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác ứng phó. Với phương châm “4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã đã huy động toàn bộ lực lượng và nhân dân tham gia chống tràn mà chưa cần đến sự hỗ trợ của lực lượng quân đội; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của bà con Nhân dân thôn Kim Nê đã không quản ngại khó khăn tích cực chống tràn đê. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã Thanh Bình tiếp tục duy trì lực lượng túc trực, kiểm tra để nắm bắt tình hình báo cáo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của huyện và chủ động triển khai các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai.

Chiều 30/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã phát đi Công điện số 35/CĐ-TƯ đề nghị TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin, cảnh báo đầy đủ, kịp thời cho người dân vùng lũ, chủ động phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng để chủ động sơ tán dân tới nơi trú tránh an toàn. Triển khai các phương án phòng chống lũ theo cấp báo động.

Theo cảnh báo, mực nước sông Bùi sẽ lên trên mức báo động 3 là 1m vào sáng 31/7. Ngập úng sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày tới ở vùng trũng, thấp thuộc các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình). (Tùng Nguyễn)

Sáng 30/7, 1.664 hộ trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã bị cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước và 4 trạm bơm: Chi Lăng 1, Chi Lăng 2, Hạ Dục, Hoàng Diệu (bơm tưới ven sông Đáy nước dâng có nguy cơ ngập máy bơm và tủ điện). UBND huyện Chương Mỹ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị và UBND các xã, thị trấn: Tiếp tục huy động toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm tiêu bơm nước tiêu úng; tổ chức khoanh vùng, khơi thông dòng chảy; Các cụm phụ trách các tuyến đê, lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện các vị trí bị tràn, bị thẩm lậu, lỗ rò bục qua đê để kịp thời xử lý; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai phối hợp với UBND các xã, thị trấn vớt rác, thu gom vận chuyển rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường; Tiểu ban đảm bảo đời sống tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ đảm bảo các hộ dân phải sơ tán, các hộ dân thuộc khu vực bị nước lũ chia cắt, các hộ chính sách, hộ khó khăn có đủ lương thực, thực phẩm, nước uống và các vật dụng cần thiết phục vụ đời sống…

Công an huyện bám sát địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự cho Nhân dân, nhất là ở nơi phải sơ tán và tiếp nhận dân sơ tán; ngành y tế đảm bảo thuốc men và các điều kiện phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh cho Nhân dân; Tiểu ban phục hồi sản xuất chuẩn bị đủ giống, vật tư để thực hiện phương án phục hồi sản xuất đã được phê duyệt;...

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với Tiểu ban tổng hợp kịp thời thu thập, tổng hợp tình hình mưa lũ, báo cáo UBND huyện và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; UBND các xã, thị trấn khu vực tả Bùi, hữu Đáy thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, tình trạng các tuyến đê, thông báo cho Nhân dân tình trạng nguy hiểm để chủ động kê kích tài sản, sơ tán người, tài sản, vật nuôi trong trường hợp đê bị tràn, xói lở có nguy cơ gây vỡ đê.

Trong buổi sáng và buổi chiều ngày 30/7, lực lượng quân đội cùng lực lượng xung kích của xã Thanh Bình và Trung Hòa tiếp tục đắp bao tải cát chống tràn tuyến đê từ trạm bơm Trung Hoàng, qua cầu bến Cốc xuống đoạn đê qua địa bàn thôn Kim Nê, xã Thanh Bình. Trên địa phận thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa buổi sáng cùng ngày, nhân dân và lực lượng của xã đã đắp bao tải chống tràn.

Là người trực tiếp tham gia chống tràn đê tả Bùi, ông Lê Văn Nhâm (56 tuổi, thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình) sống cạnh đê Tả Bùi chia sẻ, Sống tại đây cũng đã khá quen với các tình huống như vậy nên khá bình tĩnh để đối phó với việc nước lên, nước xuống. Tuy nhiên, lũ lớn gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. “Tôi mong muốn Nhà nước có kinh phí để nâng cấp đê Tả Bùi để người dân an tâm sản xuất, chăn nuôi. Chứ không cứ đến mùa mưa lũ các hộ dân lại nơm nớp nỗi nỗi lo sự cố đê điều” – Ông Nhâm bày tỏ.

Quan tâm đến xử lý môi trường

Theo thống kê mới nhất, đã có hơn 700 người bị nhiễm nấm da, nước ăn chân, tiêu chảy, đau mắt đỏ... do ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt sâu (từ ngày 21/7 đến nay) tại “rốn ngập” xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Con số này được dự báo sẽ còn tăng cao, bởi mực nước đang tiếp tục dâng cao.

Xóm Bèo, thôn Nam Hài là vùng trũng thấp, cũng là nơi ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nhiều ngày qua, nước dâng lút nhà, dù đã dùng gạch để kê chân giường cao tới 50cm, nhưng mọi đồ vật nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Quân không còn một thứ gì còn khô. Cả gia đình phải đi lánh nạn nhà người thân cách đó vài cây số. Chỉ còn ông bám trụ lại để trông nom cửa nhà. “Lũ rừng ngang dâng bất ngờ quá, tôi không kịp chuyển thứ gì, ti vi, tủ lạnh, bình gas, thóc lúa đều chìm trong bụng nước rồi” - ông Quân kể.

Sống trong vùng phân lũ, với người dân thôn Nam Hài, hai nỗi khiếp sợ lớn nhất chính là nạn ô nhiễm môi trường và thiệt hại sản xuất. Ông Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ): “Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát thuốc miễn phí cho 700 hộ dân, mỗi hộ một túi thuốc. Tuy nhiên, nhiều hộ đã dùng hết và tiếp tục đến các điểm khám chữa bệnh để xin thêm thuốc. Hiện nguồn thuốc cũng đã gần cạn và chúng tôi đang đề nghị cấp thêm”. Theo ông Kỳ, dự kiến số lượng người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi phải ít nhất 1 tháng nữa nước mới rút và cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng.

Thống kê của UBND xã Nam Phương Tiến, có tới 842 hộ gia đình bị ngập lụt, khiến hơn 4.000 người bị đảo lộn cuộc sống sinh hoạt. Giếng đào đã bị ngập, giếng khoan không thể lấy nước do ngành điện lực cắt điện toàn phần, không thể vận hành máy bơm. Tối đến, nhiều ngôi nhà tối đen như mực vì không còn nến để thắp. Việc nấu ăn trở nên vô cùng khó khăn. Một số hộ bị nước cô lập, không có phương tiện di chuyển đã phải cầu cứu chính quyền tiếp tế lương thực. Sau 9 ngày ngâp lụt, người dân xã Nam Phương Tiến vẫn tiếp tục di chuyển tài sản. Nhiều chiến sỹ trường Sỹ quan Đặc công và Sư đoàn 308 cũng đã được huy động vừa tham gia cứu hộ đê vừa giúp người dân di chuyển lương thực, vật nuôi.

Thống kê sơ bộ, thiệt hại tại các xã, thị trấn huyện Chương Mỹ bị ngập, lụt: Diện tích lúa: 1.279,8ha; rau màu: 262,6ha; diện tích nuôi trồng thủy sản: 555,2ha; diện tích cây ăn quả bị thiệt hại: 164,2ha; đường giao thông nông thôn bị sạt lở: 3.290m; chiều dài kênh mương bị hư hỏng: 9.385m; chiều dài đoạn đê, hồ, đập bị sạt lở: 9.470m; cầu cống, đập bị hư hỏng: 33 cái;…