Dồi dào nguồn hàng Tết

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá chính thức của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội sau đợt khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy, các đơn vị trên địa bàn TP đều chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Cân đối đủ cung cầu
Qua khảo sát cho thấy, dưới sự chỉ đạo tích cực của TP, các cơ quan đơn vị và quận, huyện, thị xã đã chủ động nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán. Các siêu thị, điểm kinh doanh đều chuẩn bị phương án kéo dài thời gian kinh doanh những ngày cận Tết để phục vụ nhu cầu của người dân, như siêu thị Co.opmart, Fivimart mở cửa đến 23h hàng ngày và 12h - 14h ngày 30 Tết; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có 7 địa điểm bán hàng trong ngày mùng Một Tết; hệ thống cửa hàng dịch vụ của Công ty CP Thủy Tạ mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân qua Giao thừa...
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ tết do Sở công thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Công Hùng
Nhiều siêu thị phân phối, bán lẻ đã tăng cường các chủng loại thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Như qua khảo sát, hệ thống siêu thị Hapro, Fivimart, Co.opmart đẩy mạnh bán hàng online và giao hàng tận nhà. Hệ thống siêu thị Fivimart tổ chức cung ứng “Mâm cỗ Tết”, siêu thị Co.op Mart cung cấp các loại hoa quả đặc thù phục vụ mâm ngũ quả ngày Tết, mở rộng cung ứng nhóm thực phẩm sơ chế sẵn trong dịp Tết...

Theo Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai, qua khảo sát cho thấy tỷ lệ hàng Việt Nam vẫn chiếm đa số trên thị trường cung cấp hàng hóa ngày Tết. Như tại nhiều siêu thị được khảo sát, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm khoảng 80% lượng hàng bày bán, trong đó riêng nhóm hàng thực phẩm chiếm 90%. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn các sản phẩm hàng Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo.

Đặc biệt, nhiều DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia thực hiện Chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, đến nay có 18 DN đăng ký tham gia tổ chức trên 1.700 điểm bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ Nhân dân dịp Tết... Một số DN đã chủ động tham gia vào các chương trình bán hàng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp phục vụ người dân khu vực xa trung tâm tiếp cận với hàng hóa có chất lượng và giá cả phải chăng.

Tránh gây biến động lớn về giá

Qua khảo sát, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cũng chỉ rõ một số hạn chế như một số DN còn chưa tích cực tham gia các chương trình bình ổn giá của TP. Công tác đưa hàng về nông thôn, các xã miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất... đã được quan tâm song do kinh phí còn hạn chế nên chưa phục vụ rộng khắp được tất cả các huyện vùng ngoại thành. Công tác đảm bảo VSATTP, xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các khu chợ đầu mối, chợ dân sinh, đại lý vẫn chưa được kiểm soát triệt để...

Từ thực tế khảo sát, Ban kiến nghị TP tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện việc theo dõi, đánh giá việc cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, tránh gây biến động lớn về giá cả, nhất là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu, đơn vị sản xuất, kinh doanh có uy tín của TP để tăng sức mua cho hàng hóa Thủ đô. Mở thêm các điểm bán hàng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống, các khu trung tâm mua sắm, siêu thị của TP…

Cùng với đó, Ban cũng đề nghị Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động đề xuất, giới thiệu và khuyến khích nhiều hơn các DN, đơn vị mở các điểm bán hàng lưu động, bán hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp mở rộng kênh phục vụ hàng hóa chất lượng cho người dân. Xử lý nghiêm và dứt điểm các vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…