Đổi đời nhờ tôm càng xanh

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hôm qua thương lái tới mua 100kg tôm, với giá bán trung bình 300.000 đồng/kg, tôi thu về 30 triệu đồng sau vài tháng nuôi…” – chị Trương Thị Xa (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) phấn khởi chia sẻ về hiệu quả của tôm càng xanh đang mang lại cho gia đình.

5 năm trước, gia đình chị Xa bắt tay vào nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là các loại cá truyền thống. Với mong muốn tăng thêm thu nhập, năm 2017, chị Xa chuyển sang thử nghiệm nuôi tôm thẻ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôm bị chết đồng loạt do môi trường sống không phù hợp, khiến gia đình thua lỗ hàng chục triệu đồng.
 Tôm càng xanh đang mang lại giá trị kinh tế cao cho các nông hộ.
Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chị Xa bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm càng xanh với 150.000 con giống. Gia đình chị đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng để cải tạo 1 hécta ao nuôi, cũng như mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác. Nhận thức đây là loại con giống có tỷ lệ chết rất cao (trung bình lên tới 40%) nên công tác phòng, chống bệnh dịch được gia đình chị Xa hết sức chú trọng. Nhờ đó, dù số lượng tôm giống bị chết lớn nhưng số còn lại sinh trưởng, phát triển rất khỏe mạnh. Đến nay đã đạt kích thước từ 8 - 10cm/con, trọng lượng trung bình đạt 30 - 40 con/kg.

Chị Xa cho biết, để có được thành công bước đầu từ việc nuôi tôm càng xanh, gia đình chị đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Không chỉ được chu cấp 100% con giống, 30% chi phí thức ăn, gia đình chị còn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và thuốc phòng, điều trị bệnh trong suốt vòng đời của tôm (kéo dài khoảng 6 tháng). Chị Xa cho biết thêm, tôm càng xanh cho giá trị kinh tế rất cao. Khi đạt trọng lượng tối đa khoảng 25 con/kg, giá bán có thể lên tới 400.000 - 500.000 đồng/kg. Với diện tích 1ha, doanh thu từ nuôi tôm càng xanh từ nay tới cuối năm của gia đình chị chắc chắn sẽ “ăn đứt” nhiều năm nuôi trồng thủy sản trước đây…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh là không dễ. Do đó, đơn vị phải lựa chọn những hộ có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản để thực hiện hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả của chương trình. Hiện, ngoài 1ha của gia đình chị Xa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn hỗ trợ cho hai hộ khác tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) và thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), mỗi hộ nuôi trồng trên diện tích 1ha. “Đánh giá ban đầu cho thấy, mô hình nuôi tôm càng xanh tại cả 3 địa phương đều đang phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế tích cực. Quan trọng hơn, thành công này có thể mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội” - bà Hương kỳ vọng.