Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Thủy Trúc – Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp người dân xã Châu Sơn, huyện Ba Vì không chỉ thoát nghèo, mà còn cải thiện cuộc sống.

Không chỉ thoát nghèo

Những ngôi nhà cao tầng được xây kiểu kiến trúc hiện đại nằm xen lẫn những vườn cây xanh dọc theo bờ đê xã Châu Sơn như muốn khẳng định XKLĐ đã “cứu” người dân nơi đây thoát nghèo. “Nhờ XKLĐ, gia đình tôi để dành được tiền mua đất, xây nhà, sắm sửa đồ dùng, con cái được học hành và có công việc…” – bà Phùng Thị Hải Yến ngồi bế cháu nội bên bậc thềm ngôi nhà ba tầng chia sẻ. Hơn chục năm trước, cuộc sống của gia đình bà Yến cũng như nhiều hộ trong thôn Hạ Sơn rất vất vả. Cấy lúa, trồng rau, rồi nuôi lợn nái, chăm chim cút đẻ trứng nhưng cái nghèo vẫn bủa vây. Năm 2000, hai vợ chồng vay mượn khắp nơi được 35 triệu đồng để sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. “Ở bên đó tôi làm giúp việc cho một gia đình khá giả, tiền lương mỗi tháng được khoảng 14 triệu đồng đều đặn gửi về nhà để chồng trả nợ và nuôi con”.

Chị Phùng Thị Hải Yến (ngồi giữa), xã Châu Sơn bên ngôi nhà khang trang của gia đình.   Ảnh: Quang Thiện

Vì làm việc chăm chỉ và được lòng chủ nhà, nhiều người Châu Sơn khi hết hạn hợp đồng lao động về nước, lại được chủ mua vé máy bay mời sang làm việc tiếp. Chị Đinh Thị Luân ở kế bên nhà bà Yến cũng đã hai lần sang Đài Loan làm giúp việc gia đình trong 6 năm. “Gần hết một năm đầu tiên, tôi làm việc trả nợ, 5 năm sau tôi tích cóp tiền xây được ngôi nhà hai tầng và có vốn buôn bán” – chị Luân chia sẻ và cho biết rất muốn đi sang Đài Loan lần nữa, nhưng phải ở nhà để quản lý các con đang tuổi lớn.

Đi XKLĐ không chỉ giúp nhiều hộ trong xã Châu Sơn có điều kiện kinh tế ổn định cuộc sống, mà còn được tiếp cận với lối sống hiện đại. “Các con nhà ông chủ thường gọi tôi bằng dì. Những người ngang tuổi gọi tôi bằng tên với thái độ tôn trọng. Khi nhờ tôi làm cho việc gì đó, bao giờ họ cũng nói “cảm ơn” – bà Yến kể. Và dù đã không làm việc cho họ 10 năm, nhưng hai bên vẫn giữ liên lạc, gọi điện thăm hỏi. Chị Luân cũng cho biết, mình học được cách sống tuân thủ pháp luật của người Đài Loan, chẳng hạn tham gia giao thông ngoài đường không bóp còi xe inh ỏi, không lấn làn đường, luôn nói lời “cảm ơn” khi được giúp đỡ và không nhận tiền thừa nếu người bán hàng trả nhầm.

Tiếp tục tạo điều kiện để XKLĐ

Chia sẻ về hoạt động XKLĐ, bà Đinh Thị Thoan – cán bộ phòng LĐTB&XH xã Châu Sơn cho biết, người dân địa phương có truyền thống đi XKLĐ từ cách đây 15 năm. Những năm trước, họ thường sang Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao. Hiện nay thị trường Đài Loan được ưa chuộng nhiều nhất vì mức thu nhập khá cao, từ 12 - 18 triệu đồng/tháng; công việc phù hợp với năng lực. Ở xã thuần nông Châu Sơn chỉ có mấy xưởng may, làm cật lực thu nhập cũng chỉ vài triệu đồng/tháng. Công việc may vá theo thời vụ khó giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chỉ những hộ có người đi XKLĐ kinh tế khá hơn hẳn, nhà cửa khang trang. Thực tế, XKLĐ đã giúp Châu Sơn giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 7% năm 2013 xuống còn 3,2% hiện nay. “Cả xã có 201 người đang đi XKLĐ ở các nước, chỉ còn khoảng 20% số người trong độ tuổi lao động có việc làm không thường xuyên và thất nghiệp hoàn toàn. Để người dân có cơ hội ra nước ngoài làm việc, xã Châu Sơn tạo điều kiện cho họ vay tiền từ nguồn vốn quỹ của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…” – bà Thoan cho biết. Thực tế cho thấy, vì thu nhập cao nên nhiều hộ gia đình có cả mẹ lẫn các con cùng đi XKLĐ. Tuy nhiên, do mải kiếm tiền, đã có những người khi hết hạn hợp đồng không chịu về nước, trốn ra ngoài làm việc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang có ý muốn đi XKLĐ ở Hàn Quốc cũng như hoạt động XKLĐ của Châu Sơn nói chung

Phải nói rằng, XKLĐ cũng là giải pháp để thoát nghèo bền vững của huyện Ba Vì. Để đẩy mạnh phong trào, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Bình cho biết, huyện đang đề xuất những giải pháp để người lao động đi Hàn Quốc trở về đúng hạn. Điển hình là tạo điều kiện cho những người đi nước ngoài làm việc được vay vốn từ quỹ việc làm của TP. Tháng 6/2017, theo chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, huyện Ba Vì sẽ thành lập sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện để học viên và người lao động có thông tin về công việc, thị trường lao động. Đồng thời, những người đi XKLĐ trở về còn được giới thiệu vào những công ty có vốn nước ngoài để có cơ hội được hưởng thu nhập cao.