Đổi mã vùng điện thoại cố định: Ảnh hưởng không đáng kể

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thuê bao cố định tại 13 tỉnh, thành thuộc giai đoạn 1 sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định vào ngày 11/2/2017.

Trước thông tin này, không ít người băn khoăn liệu việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần này có ảnh hưởng đến các số thuê bao đang sử dụng?

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định là để tạo kho số cho phát triển thông tin di động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần này không phải là đổi số thuê bao mà khách hàng đang sử dụng hiện nay, do đó không ảnh hưởng đến các số thuê bao cố định, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng khi thực hiện cuộc gọi nội hạt số cố định đó vẫn là 23456789. Với những cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) thì có một chút thay đổi. Thay vì bấm số 04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng phải bấm số 024.23456789, nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi bấm số.

Với 2 lần kinh nghiệm đổi số cho mạng cố định và mạng di động, trong cuộc họp mới đây nhất, đại diện VNPT, Viettel, MobiFone, FPT Telecom, CMC, Gtel, Vietnamobile, Đông Dương Telecom cũng khẳng định đã sẵn sàng cho việc đổi mã vùng điện thoại đợt đầu tiên từ ngày 11/2... Quá trình đổi số chỉ thực hiện vào ban đêm và sẽ thực hiện trong 2 tiếng, về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng. Trường hợp có bất cứ một nguy cơ nào ảnh hưởng đến dịch vụ, các DN sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau, khách hàng sử dụng bình thường. Trong các giai đoạn chuyển đổi, khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định có thể quay song song cả mã tỉnh mới và mã tỉnh cũ trong thời gian 30 ngày, sau thời gian đó, khách hàng sẽ tiếp tục được truyền thông về mã vùng mới trong vòng 30 ngày.

Anh Nguyễn Trường Sơn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Mặc dù tới 17/6, Hà Nội mới thực hiện đổi mã vùng điện thoại nhưng từ trước Tết, tôi đã tiến hành in ấn lại toàn bộ card visit cho nhân viên, và bao bì mới cho các sản phẩm. Việc này cũng khá tốn kém cho chúng tôi”. Còn theo phản ánh của chị Đoàn Minh Hà (quận Hoàng Mai): “Tôi là nhân viên bảo hiểm, thường xuyên phải liên lạc với khách hàng bằng cả số di động và cố định, nên tới đây sẽ phải dành nhiều thời gian đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trong máy di động”.

Có thể thấy, việc đổi mã vùng sẽ tác động ít nhiều tới các cuộc gọi, nhưng không đáng kể, ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, DN, ngân hàng, tổ chức, một số cá nhân. Theo đó, nhiều tổ chức, ngân hàng, DN phải chủ động bố trí nhân sự trả lời và thông báo việc đổi mã vùng cho khách hàng của mình. Đồng thời, các đơn vị phải thực hiện đăng ký lại thông tin, danh bạ, in biển quảng cáo, bao bì sản phẩm... “Tuy nhiên, tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, tương tự như khi chúng ta tách hoặc sáp nhập tỉnh, thành” - đại diện một DN kinh doanh viễn thông chia sẻ.

Theo báo cáo của các DN viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam.