Đổi mới để thích ứng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với phương châm hoạt động "hướng về cơ sở, vì người lao động", 90 năm sau khi thành lập (28/7/1929 - 28/7/2019), tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò “cầu nối”, là nơi trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

 Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng quà cho Tổ Môi trường số 1 nhân dịp Tết Nguyên đán 2018
Nhưng trước thực tế lực lượng công nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu của đoàn viên đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao, những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động cũng nhiều hơn và hơn hết là yêu cầu hội nhập, đòi hỏi công đoàn phải đồng hành hơn nữa, thấu hiểu hơn nữa.
Có thể nói rằng, nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn (CĐ) đã rất tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức đối thoại và nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong DN... Hình thức hoạt động đã bớt hình thức hay những con số mang tính thành tích, mà theo sát người lao động trong việc làm, thu nhập, mọi mặt đời sống. Đặc biệt, bất kể hoạt động nào cũng quan tâm để người lao động tiếp cận được tất cả cơ chế chính sách mình được thụ hưởng; để họ hiểu và tự bảo vệ mình và quan trọng nhất là làm đúng luật. Thật đáng mừng khi người lao động đã tin tưởng vào CĐ, coi tổ chức CĐ là “người bạn đồng hành”.
Nhưng nói như thế không phải mọi kết quả đều toàn diện. Thực tế, tại không ít nơi, tình trạng đình công vẫn diễn ra, rồi những mâu thuẫn mới phát sinh như tranh chấp lao động, tiền lương, giờ làm việc, điều kiện sinh hoạt của công nhân… đã trở thành những “điểm nóng” khiến dư luận chú ý. Khởi nguồn của những điều đó phần nhiều là do tình trạng vi phạm pháp luật về lao động vẫn khá phổ biến, trong khi vai trò của CĐ lại chưa rõ nét. Hơn thế nữa, một “khoảng trống” chưa thể lấp đầy, khi còn khá nhiều DN khu vực ngoài nhà nước thiếu tổ chức CĐ.
Khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong tương lai người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện... CĐ không còn là tổ chức duy nhất. Chưa kể đến việc hội nhập quốc tế, cũng đòi hỏi lớn hơn trong các yêu cầu về bảo vệ quyền lợi của người lao động. Một trong những vấn đề đặt ra là phải làm sao để cả người sử dụng lao động và người lao động thấy được vai trò của CĐ, để CĐ thể hiện rõ nét hơn tiếng nói của mình là một câu hỏi không hề nhỏ hiện nay. Và trước những thách thức lớn nhất ấy đòi hỏi CĐ tiếp tục đổi mới mình hơn nữa để thích ứng, để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; để kịp thời có tiếng nói giải quyết tận gốc những mâu thuẫn trong quan hệ lao động phát sinh. Hoạt động CĐ có trọng tâm, trọng điểm hơn, giảm bớt các hoạt động bề nổi, hướng hoạt động vào các nhiệm vụ cốt lõi như công tác đối thoại xã hội, thương lượng tập thể, chương trình phúc lợi đoàn viên...
Với một chặng đường 90 năm trưởng thành và không ít giá trị vững bền đã được khẳng định, những người lao động vẫn hy vọng rằng, trong một chặng đường mới, tổ chức CĐ với những giải pháp, mục tiêu đặt ra thế nào đi chăng nữa, vẫn cần người cán bộ CĐ phải có nghiệp vụ, bản lĩnh, mạnh dạn kiến nghị, tham gia kịp thời, giải tỏa các “điểm nóng”, bức xúc của người lao động. Để các bên tham gia quan hệ lao động cần hiểu và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, nhất là những gì pháp luật đã quy định. Đây cũng là một tâm tư lớn của hàng trăm triệu cán bộ viên chức, người lao động gửi tới tổ chức CĐ Việt Nam vào dịp kỷ niệm ngày thành lập này.