Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Nhà trường phải đồng hành cùng doanh nghiệp

Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần tập trung vào đào tạo nghề có bằng cấp, việc liên thông đại học (ĐH) phải được tạo thuận lợi và các trường phải liên kết, đồng hành cùng DN để giáo dục nghề nghiệp nước ta có bước thay đổi.

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp được đưa ra tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 16/1.
Liên thông càng sớm càng tốt
Đại diện Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế, kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Giáo dục ĐH liên thông càng sớm càng tốt để cho tất cả đối tượng đi vào giáo dục nghề nghiệp đều có cơ hội liên thông ĐH theo hướng ứng dụng thực hành, còn tất cả những em học phổ thông đi vào ĐH chỉ đi vào hướng nghiên cứu. Như vậy thì lập tức các em phổ thông sẽ lựa chọn theo giáo dục nghề nghiệp và hướng vào ĐH ứng dụng. Còn nếu khung của đề án không hướng dẫn chi tiết thì tất cả sẽ đều đổ xô vào giáo dục ĐH, mọi người sẽ nhầm giữa giáo dục nghiên cứu và ứng dụng, cuối cùng thì các em sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Chính vì vậy, trong đề án này nên căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”.

Sinh viên Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành kỹ thuật ô tô. Ảnh: Phạm Hùng

Vì vậy, có thể thấy cần phải điều chỉnh học sinh phổ thông đi vào giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH lành mạnh, tránh tình trạng xu thế chung của người Việt là “sính” ĐH và nghĩ rằng chỉ có vào ĐH mới có tương lai. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê vài năm trở lại đây thì tỷ lệ thất nghiệp có trình độ ĐH nhiều nhất trong cơ cấu.
Ông Trần Công Chánh – Chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế, kỹ thuật Việt Nam cũng đặt vấn đề về chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, ông Chánh cho rằng cần phải có người học, sau đó mới đi vào chất lượng, muốn làm được thì phải phân luồng, định hướng cho các em để các em không chạy theo xu thế chung. Trong vấn đề tuyển sinh, Bộ LĐTB&XH nên ban hành sớm quy chế tuyển sinh với giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là các trường địa phương nên hạn chế thu hút số lượng học sinh THPT.
Cởi mở để thu hút người học
Đưa ra giải pháp cho đề án, ông Chánh khẳng định là phải làm sao cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và ĐH được cởi mở, lượng người đi vào giáo dục nghề nghiệp đông hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, thị trường lao động ngày càng khó khăn, đào tạo theo truyền thống bị thu hẹp, một phần nguyên nhân là thế giới đang chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời đại của IoT nên không thể cứ giữ phương pháp đào tạo, giáo dục truyền thống. Thay vào đó, đào tạo giáo dục phải định hướng chiến lược để theo kịp quốc tế.
Theo ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc  Công ty TNHH Bosch Việt Nam, đại diện Hiệp hội các DN Đức tại Việt Nam, các chương trình đào tạo nghề sẽ thu hút được giới trẻ khi chúng ta giúp các em có nghề vững chắc, tạo được việc làm và thu nhập ổn định. Ông Huệ đưa ra những kiến nghị về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, theo đó cần phải thúc đẩy việc đổi mới đào tạo nghề bằng việc sớm đột phá, đào tạo song hành thông qua các liên kết đào tạo nghề giữa các trường nghề và trung tâm xí nghiệp, DN. Quyền và trách nhiệm của DN cần được quy định rõ ràng. Mô hình liên kết độc đáo giữa các nước tiên tiến trên thế giới đó là liên kết trường, các DN, trường nào có chương trình đào tạo cao thì chắc chắn học viên sẽ có việc làm tốt và thu nhập cao.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: “Các trường đào tạo nghề không được tách rời với  DN, trước hết phải khảo sát nhu cầu lao động, phối hợp với nhau từng chương trình, là thực hành, bố trí việc làm, nguồn lực. Tất cả đều phải đồng hành cùng DN. Những trường tự chủ thành công đều áp dụng những bài học này”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, đào tạo nghề nước ta phải có bước thay đổi, không có giật lùi hay duy ý chí. Cần tập trung vào đào tạo nghề có bằng cấp và liên kết với DN để đảm bảo việc làm cho các học viên. Có thể thấy tâm lý chung của xã hội là không muốn con em mình học nghề, mà học ĐH, chính vì vậy nên giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, và đây chính là thời điểm để đổi mới phương pháp, cách thực hiện. Các em có thể học hết cấp 2, sau đó vào trung cấp, đi làm và liên thông để lên ĐH. Cơ hội học tiếp lên ĐH, sau ĐH là phải làm cởi mở hơn trước thì mới thu hút được học viên. Thế giới đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, tới đây sẽ có nhiều nghề cắt giảm nên các trường phải chủ động không ngần ngại gắn kết với DN để đổi mới, tìm hiểu rõ những ngành nghề sẽ cần nhân lực để tập trung đào tạo. Vừa đảm bảo nguồn lao động vừa mang lại kinh tế cho đất nước, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Trường có thể mở cho DN, trong nhà trường có DN và trong DN cũng có nhà trường, tất cả mô hình đó đều được, quan trọng là Bộ LĐTB&XH có đề án cơ cấu lại mạng lưới các trường, chỉ để những trường mạnh, trường lớn, đảm bảo chất lượng tồn tại thì tôi cho rằng đó là chủ trương rất đúng.
Nguyễn Thị Hằng
Hiệu trưởng trường Cao đẳng  Kỹ nghệ 2 TP Hồ Chí Minh

Vấn đề liên thông, khi tuyển sinh, phụ huynh ai cũng thích con đi học ĐH, con đường liên thông ĐH, con đường học suốt đời phải được phổ biến toàn thể để các em yên tâm mà đi học nghề. Và khi đi học nghề sau 2, 3 năm thì liên thông, khi đó chất lượng đi học ĐH mà đã trải qua làm nghề sẽ cao hơn nhiều. Và cuối cùng, tôi muốn nói là các em cứ yên tâm đi học nghề, sau 2, 3 năm có được việc làm và vẫn có suất vào ĐH.
Ông Trần Thanh Hải
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông TP Hồ Chí Minh