Đổi mới hoạt động của Quốc hội: Cân nhắc thay đổi cách làm luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 4/6, trong phiên họp sáng, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của QH.

Tại phiên thảo luận, những nội dung được các đại biểu (ĐB) quan tâm, đề cập nhiều là bỏ phiếu tín nhiệm, phương pháp xây dựng Luật, chất vấn và trả lời chất vấn.

Bỏ phiếu tín nhiệm cần có quy định rõ ràng

Bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu là một trong những nội dung đổi mới được các ĐB nhất trí cao và cho rằng, đây chính là điểm để QH thể hiện tính thực quyền của một cơ quan dân biểu, tuy nhiên, cách làm vẫn chưa nhận được sự thống nhất. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, chúng ta cần thận trọng và có chọn lọc các chức danh để bỏ phiếu và nên bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, lấy một lần, với chức danh từ Bộ trưởng trở lên và tránh hình thức.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm là thượng phương bảo kiếm, QH chỉ nên rút ra khi cần thiết. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên), cần phải có các quy định rất rõ ràng, vì vậy, nên để hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi cá nhân một người có vấn đề.

Công tác lập pháp còn bất cập

Bức xúc về bất hợp lý trong công tác lập pháp hiện nay, nhiều ĐB cho rằng, không ít dự án luật pháp lệnh quan trọng, phức tạp nhưng được gửi đến ĐBQH rất muộn, không có thời gian nghiên cứu để có ý kiến xác đáng. Theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), cách làm luật của QH hiện nay còn rất thụ động, đặc biệt là trong việc xây dựng chương trình lập pháp. Dường như chúng ta chưa có sự đối thoại giữa các ĐBQH với ban soạn thảo. QH ban hành rất nhiều luật nhưng chủ yếu đều do các bộ, ngành soạn thảo, sau đó các bộ, ngành này lại ban hành thông tư hướng dẫn… Như vậy, có nghĩa là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Do đó, phải cân nhắc thay đổi một bước cách làm luật hiện nay.

Nhiều ĐB đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: Tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do đại biểu nêu lên; Sau hoạt động chất vấn, QH cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn; Cần lập ủy ban điều tra độc lập nếu khi trong chất vấn và trả lời chất vấn tại QH nảy sinh vấn đề cần thiết phải điều tra, làm rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Nâng chất lượng từ chính khâu chuyển tài liệu

Sáng 4/6, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về việc các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bức xúc trước tình trạng nhận được tài liệu liên quan đến kỳ họp chậm, dẫn đến việc đóng góp ý kiến thảo luận chưa có chất lượng cao, Phó Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận: Thực tế việc chuyển tài liệu thường rất chậm, thậm chí đến sát giờ họp ĐB mới nhận được tài liệu. Nguyên nhân tài liệu chậm đến tay ĐBQH là do cơ quan được giao chủ trì soạn thảo làm chậm hoặc do những cuộc họp Chính phủ chậm có ý kiến về các dự án Luật..., rồi đến chính các cơ quan thẩm tra của QH tiến hành thẩm tra chậm nên không đảm bảo thời gian gửi cho các ĐBQH theo quy định. Việc xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH chính là đáp ứng mong muốn của rất nhiều ĐBQH, UBTVQH và của cử tri cả nước. Hy vọng, từ những kỳ họp sau chất lượng hoạt động của QH sẽ được nâng cao hơn nhiều.

Hà Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần