Đổi mới sáng tạo: Con đường phát triển tất yếu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 17/10, các chuyên gia đánh giá, việc nâng cao trình độ, năng lực KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế trong xếp hạng cạnh tranh của WEF năm nay, tụt 3 bậc so với vị trí 74/135 trong xếp hạng năm ngoái.

“Tôi không ngạc nhiên về kết quả này của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố” - TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ quan điểm. Theo ông Cung, từ năm ngoái trở đi, WEF có cách thức đánh giá khác so với 2017 trở về trước. “Trước đây, họ đánh giá trọng số công nghệ nằm trong tỷ lệ phần trăm chung, nhưng giờ họ đánh giá riêng, nhấn mạnh đến ĐMST vì họ cho rằng nền kinh tế tới đây tăng trưởng dựa trên yếu tố ĐMST” - ông Cung nói. Ở Việt Nam, yếu tố này được đánh giá rất thấp và trong một năm qua không thấy có sự thay đổi nhiều. Theo ông Cung, đây là một tín hiệu lo ngại nhưng cũng là một chỉ báo rất rõ ràng rằng sắp tới Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xây dựng năng lực ĐMST quốc gia.

“DN muốn ĐMST thì không có cách nào khác là phải tạo ra cạnh tranh công bằng, khi có cạnh tranh thị trường công bằng thì buộc DN phải cạnh tranh ĐMST mới tồn tại được. Nếu như tiếp tục tồn tại dựa vào các mối quan hệ, cơ chế xin – cho phân bố nguồn lực thì sẽ triệt tiêu sáng tạo. Sáng tạo là chìa khóa lấy được cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0” - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

WEF đánh giá xếp hạng dựa vào điểm năng lực cạnh tranh, thể chế, hạ tầng, ứng dụng CNTT và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh và năng lực sáng tạo. Trong số 12 trụ cột đánh giá này, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột "sức khỏe", với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột "năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33 điểm. Các nước khác như Singapore đứng vị trí thứ 2, Thái Lan xếp thứ 38, tăng 2 bậc so với năm 2017. Indonesia xếp thứ 45, tăng 2 bậc. Malaysia đứng ở vị trí 25, tăng 1 bậc. Philippines xếp thứ 56, tăng 12 bậc.

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mang lại những cơ hội lớn và cả những thách thức đối với Việt Nam. Đây chính là thời điểm mà năng lực sáng tạo cần được thể hiện đúng vai trò, đúng xu thế chung của thế giới: Quốc gia phát triển dựa vào KH&CN, ĐMST thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện nay.