Đổi mới tư duy để phát triển Thủ đô xứng tầm khu vực, thế giới

Trần Long (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 là một năm đặc biệt thành công của Hà Nội. Đó là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP; kiểm soát đại dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng kinh tế 3,98%, gấp 1,4 lần tăng trưởng chung của cả nước.

Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã có chia sẻ với báo chí về những kết quả, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2015 - 2020; nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025.
Khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Bí thư nhận định ý nói này như thế nào và Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội ra sao để tạo động lực phát triển Thành phố?

- Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trước đây, Hà Nội có địa giới hành chính khiêm tốn nhưng đến nay sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, đã mở ra một không gian rất lớn cho Hà Nội phát triển. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước nên vừa có không gian, vừa có dư địa phát triển rất thuận lợi. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm các GS, TS) quy tụ ở Hà Nội.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Ảnh: Thanh Hải
Tuy Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt nhưng tỷ lệ đô thị hóa còn khá khiêm tốn khi mới chỉ chiếm gần 50%. Đây vừa là thực trạng của Thành phố nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ bứt phá mạnh mẽ về kinh tế. Ngoài ra, Hà Nội còn là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 465.000 đảng viên và chiếm 10% tổng số đảng viên của cả nước. Với một lực lượng chính trị lớn như vậy thể hiện vai trò rất quan trọng của Đảng bộ Thủ đô… Tôi cho rằng nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng là dựa trên cơ sở thực tế này của Hà Nội.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị 3 việc. Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 để tạo khuôn khổ phát triển cho Thành phố phù hợp Luật Quy hoạch mới. Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này. Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.

Năm 2020 là năm khó khăn với toàn thế giới, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Để khái quát tình hình phát triển của Thành phố trong năm qua, Bí thư thấy điều gì ấn tượng nhất?

- Năm 2020 là một năm đầy biến cố, thử thách nhưng Thành phố đã cùng cả nước bước qua với nhiều kết quả tích cực. Báo chí và các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng của khu vực thời Covid-19, thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Để đạt được kết quả này, tôi cho rằng có sự chỉ đạo kịp thời của T.Ư, Chính phủ, chính quyền các địa phương và đặc biệt sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của Nhân dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Với Hà Nội, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn khi đây là cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển của vùng, cả nước, nơi có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn nên nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó sự an toàn của Hà Nội trước bệnh dịch sẽ có vai trò quan trọng đối với các địa phương khác trên cả nước. Tính luỹ kế tới cuối năm 2020, Thành phố đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, luỹ tích có 198 ca mắc Covid-19 và chưa có ca mắc tử vong. Kết quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng góp phần giúp Thành phố tổ chức thành công Đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng, 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII với nhiều dấu ấn tốt đẹp. 
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các quận khu vực nội thành. Tuy nhiên, bằng tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành” trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát Covid-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98% (cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước). Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 2,67% (thấp hơn mức tăng chung cả nước và thấp nhất trong nhiều năm gần đây). Hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm mới cho gần 160.000 lao động và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bình quân chung cả nước, chỉ ở mức 2,3%. Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2% (đạt gần 285.000 tỷ đồng) và tăng gần 6% so với năm 2019.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Hải
Đặc biệt, nguồn thu nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiếm 93% thu ngân sách. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 416.000 tỷ đồng (tăng gần 10% so với năm 2019). Thành phố đã giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên 26.000 tỷ đồng (chiếm 30,9% tổng số tiền hỗ trợ của cả nước). Kịp thời hỗ trợ bằng tiền 604,3 tỷ đồng cho người có công và các đối tượng khó khăn khác do dịch Covid-19. Tích cực ủng hộ Nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 124,8 tỷ đồng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kéo giảm tội phạm hình sự 15,6% so với năm 2019; khám phá 100% các vụ trọng án trên địa bàn và tai nạn giao thông giảm sâu. Ngoài ra, nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng và dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng chống dịch và đầu tư phát triển. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố chỉ chiếm 51%, còn 49% dành chi cho đầu tư phát triển (cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi đầu tư phát triển của cả nước).

Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 4,2% - mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Đến hết năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP (chiếm 41% các sản phẩm OCOP của toàn quốc). Có 13 đơn vị cấp huyện đạt, 367 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, nhiều dự án, công trình lớn ở Thành phố cũng hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; cầu thấp Linh Đàm nối với Vành đai 3 trên cao; đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dư luận Nhân dân vui mừng và đánh giá cao khi năm 2020, Thành phố đã xử lý dứt điểm vụ xử lý sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực (quận Ba Đình) bảo đảm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tiến độ, đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020 và bàn giao, chạy thương mại trong tháng 1/2021; quyết định các giải pháp căn cơ trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải...

Bí thư có thể cho biết rõ hơn cách mà Thành phố đã vượt lên khó khăn để giành những kết quả quan trọng trong năm 2020?

- Thực hiện chỉ đạo của T.Ư và Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Chỉ thị về thực hiện “mục tiêu kép” (Chỉ thị 31-CT/TU ngày 3/4/2020), hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về phòng chống Covid-19. Trong phát triển kinh tế, Thành phố tận dụng từng cơ hội dù là nhỏ nhất với tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, để duy trì sự tăng trưởng của kinh tế và bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội. Khi Covid-19 xuất hiện ở Hà Nội, đã có một số nơi đình chỉ các công trình xây dựng để phòng, chống dịch. Khi biết thông tin này, Thành phố phải điều chỉnh ngay việc địa bàn, khu vực nào bảo đảm an toàn phòng dịch tốt, vẫn duy trì hoạt động xây dựng và chỉ cấm những địa bàn có dịch hoặc các dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu. Từ đó, các hoạt động được tiến hành đồng bộ trên khắp địa bàn Thành phố trong điều kiện “bình thường mới” và tạo ra những bứt phá, duy trì mức tăng trưởng chung.

Ngay sau khi cả nước dỡ bỏ giãn cách xã hội ở đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Thủ đô. Không chỉ đơn thuần là một hội nghị thu hút đầu tư, việc chuẩn bị cho hội nghị này trong khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội là quá trình Thành phố quyết liệt triển khai cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài. Hội nghị đã thu hút hơn 2.000 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự. Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD); ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, DN, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD; công bố tại hội nghị danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483.100 tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD).

Sinh thời, Bác Hồ đã nhắn nhủ “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu với cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng nói “Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác”. Đây chính là động lực, mục đích phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố trong mọi thời kỳ.

Hội đủ điều kiện để phát triển mạnh trong thời gian tới

Với cương vị là người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, Bí thư mong muốn và kỳ vọng như thế nào với đội ngũ cán bộ vừa được bầu vào cấp ủy các cấp vừa qua?

- Hà Nội có đội ngũ cán bộ trẻ nên lợi thế hơn vì có sức trẻ, khát vọng và hoài bão lớn. Nhưng trong số nhân sự của Hà Nội vừa qua, nếu theo tiêu chuẩn của T.Ư thì chưa có nhiều cán bộ trẻ. Ban Chấp hành Đảng bộ có 71 người nhưng chỉ có 6 cán bộ trẻ, chưa đạt tỷ lệ 10%. Trong khi đó cơ cấu cán bộ nữ lại vượt chỉ tiêu, chiếm 25% trong Ban Thường vụ. Quan điểm của Hà Nội là phải mạnh dạn giao việc, đào tạo cán bộ trẻ để họ có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, đặc biệt đội ngũ cấp chiến lược của Thành phố nhằm khắc phục tình trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ như khi các lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ trước cùng lúc nghỉ hưu. Đồng thời, khắc phục tình trạng cán bộ chiến lược không đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, không đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Cùng với đó, Thành phố sẽ có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Hà Nội có quan điểm thu hút người tài không phải chỉ là vấn đề trả lương mà phải cho họ công việc và môi trường làm việc để họ được cống hiến, được lãnh đạo lắng nghe, tôn trọng. Với chính sách lương mới, chúng ta làm theo năng lực và hưởng theo đóng góp. Điều quan trọng là phải tin tưởng đội ngũ ấy và có cách sử dụng cán bộ hợp lý. Với đội ngũ nhân tài này, đừng nghĩ phải đào tạo họ lên quản lý mà cần tập trung đào tạo chuyên gia. Trong nghị quyết của T.Ư về cải cách tiền lương, từ Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được toàn quyền sử dụng nguồn tiền lương này để chi trả, thu hút nhân tài. Địa phương nào cân đối được nguồn lực có thể trả lương cao hơn so với mặt bằng chung 1,8 lần. Đây cũng là công cụ quan trọng để Hà Nội bảo đảm thu hút tốt hơn nhân tài.

Chúng tôi cũng rất vui mừng khi 88 thủ khoa lần này đã có 30 người đăng ký công tác tại Hà Nội trên các lĩnh vực. Chúng tôi cho rằng, người tài phải biết phản biện, biết nói “ngược” so với những suy nghĩ thông thường nhưng mang lại hiệu quả cao, vì sự nghiệp chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII có nêu, Thành phố sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Vậy ưu tiên của Thành phố để đạt được mục tiêu này là gì, thưa Bí thư?

- Chúng tôi đặt ra các mục tiêu tổng quát cho Thủ đô từng giai đoạn. Theo đó, đến năm 2025, Hà Nội là Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Hà Nội không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt của cả nước. Với nền văn hiến lâu đời, truyền thống văn hóa tiêu biểu, nơi hội tụ nhân tài, “Thành phố vì hòa bình”, thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của thế giới và với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thành phố có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa để sánh ngang với nhiều Thủ đô, trung tâm kinh tế, sáng tạo khác của thế giới, khu vực.

Trong thời gian tới Thành ủy sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa. Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực như: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm, các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang... Trong bước đường đó, văn hóa - sáng tạo sẽ là những thành tố cơ bản để cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại sẽ đóng vai trò là nền tảng để Hà Nội thực hiện được 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của T.Ư và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới.

Nhân dịp Xuân mới Tân Sửu 2021, thay mặt Đảng bộ, chính quyền Thành phố qua báo Kinh tế & Đô thị, tôi gửi lời chúc mừng tới đồng bào và chiến sĩ Thủ đô năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần