Đổi mới tư duy phát triển kinh tế thị trường

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng thời gian từ Đại hội VIII (1980) đến Đại hội X Đảng bộ TP (tháng 10/1986) là khoảng thời gian mà Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô vượt qua một giai đoạn thử thách vô cùng gay go, quyết liệt, tiếp tục cùng cả nước trăn trở tìm đường đổi mới.

Bước chuyển quan trọng
Trở lại cách đây hơn 40 năm, quán triệt quan điểm "cho sản xuất bung ra" từ Hội nghị T.Ư 6 khóa IV năm 1979 của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã kiên trì phong trào trong toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp tục tìm tòi, phát huy sáng kiến, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
 Sản xuất đồ điện tại Công ty CP Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Thanh Hải
Giai cấp công nhân Thủ đô đi đầu thực hiện "kế hoạch 3 phần", các xí nghiệp đã tự cân đối vật tư, nguyên liệu từ nguồn cấp theo kế hoạch sản xuất chính, nguồn tự khai thác, nguồn qua liên kết, liên doanh với các bộ, ngành, địa phương bạn. Nhờ sự năng động, sáng tạo đó đã góp phần ngăn chặn đà giảm sút của công nghiệp.
Từ năm 1982, công nghiệp Hà Nội bắt đầu có chiều hướng đi lên. Trong việc thử nghiệm, tìm tòi theo hướng kinh tế thị trường, ở Thủ đô đã xuất hiện những nhân tố mới như: Điện cơ Thống nhất, X40, In Tiến bộ, Giầy da Hà Nội... Với nông nghiệp, việc tìm tòi về cơ chế khoán, thừa nhận kinh tế hộ như một động lực mới, tháo gỡ sự trì trệ trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 1983, Hà Nội được tiếp thêm sức mạnh với Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 21/1/1983 của Bộ Chính trị về công tác của Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết đã xác định rõ vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế và trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước.
Cũng thời gian này, Hà Nội đã ra Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 21/11/1983, tập trung giải quyết "Một số vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông”, cố gắng khai thác, nguồn hàng, từng bước xóa bỏ "ngăn sông cấm chợ'', tháo gỡ ách tắc trong phân phối lưu thông. Tiếp theo đó, Đoàn thanh niên tập trung phát triển các tổ đội thanh niên lao động xung kích; Hội LHPN, Hội nông dân, Công đoàn lao động TP phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, các tổ, đội lao động XHCN…
Luồng gió đổi mới
Tuy nhiên, do bối cảnh thực trạng trong và ngoài nước, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là do kéo dài cơ chế quản lý kinh tế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp đã khiến sức sản xuất bị kìm hãm, nhìn tổng quát, tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn chưa ổn định.
Nhiều vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách chưa được giải quyết, đời sống Nhân dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Lương thực, thực phẩm vẫn trở thành nỗi canh cánh thường trực của người dân và chính quyền TP.
Trước những trăn trở trên, quyết tâm chuyển sang kinh tế thị trường đã được phản ánh trong Báo cáo chính trị trình Đại hội X Đảng bộ TP. Báo cáo xác định: Phải thật sự đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ; mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; phải chuyển mạnh từ cách làm ăn theo lối cũ quan liêu bao cấp sang hoạt động sáng tạo, hạch toán và kinh doanh.
Với ý thức trách nhiệm cao và tâm huyết, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô phát huy trí tuệ đã đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng. Chỉ tính riêng ở Đại hội Đảng các cấp đã có trên 8 vạn ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội X Đảng bộ TP và trên 10 vạn ý kiến đóng góp vào văn bản tóm tắt dự thảo văn kiện Đại hội VI của T.Ư. Một luồng gió đổi mới đã tạo nguồn sinh lực mới trong đời sống chính trị ở Thủ đô.
Thực tiễn khắc nghiệt những năm đầu thập kỷ 80 với những khó khăn, thách thức nhiều mặt; những trăn trở, tìm tòi, thành công và thất bại… đã tạo thành tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tiến tới bước ngoặt quyết định vào Đại hội X Đảng bộ TP (tháng 10/1986) đóng góp quan trọng vào Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), với nội dung cốt lõi được xác định là: “Đổi mới cách nghĩ, cách làm (đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc); đổi mới tổ chức và cán bộ nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang phát triển kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN”.
Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đã dự Đại hội và có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao, khẳng định và phân tích tính đúng đắn, sáng tạo của nội dung, tinh thần, ý chí quyết tâm đổi mới trong văn kiện Đại hội X Đảng bộ TP. Đồng thời nhấn mạnh tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm đổi mới trong dự thảo văn kiện Đại hội VI của Đảng.
Việc Đảng bộ Hà Nội trăn trở cùng cả nước đổi mới tư duy tìm đường xây dựng, hình thành và phát triển kinh tế thị trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý. Trong đó nổi bật là kinh nghiệm phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn rộng lớn của Nhân dân, thực tiễn cuộc sống mà tìm tòi nhận thức và sáng tạo.
Trong lúc đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ trong thực tiễn đã xuất hiện ở nhiều nơi tìm cách "vượt rào", đã có một số đồng chí lãnh đạo với tư duy nhạy cảm, với cái đức và cái tâm vì dân, với một tầm nhìn xa trông rộng, đã dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất sự thật", nêu tấm gương tiên phong cùng Nhân dân tìm đường đổi mới... Kinh nghiệm ấy hôm nay vẫn đang giữ nguyên giá trị khi chúng ta đang đứng trước tình hình mới của thế giới và trong nước.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần