Đổi thay Đồng Ké

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven hồ Đồng Sương, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những vùng dân tộc thiểu số xa xôi, cách trở nhất của Hà Nội những ngày đầu mở rộng địa giới hành chính.

 Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thôn Đồng Ké.
Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, được thụ hưởng ánh sáng của chính sách dân tộc, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Thôn Đồng Ké giờ đây như được khoác lên mình một tấm áo mới đầy sức sống giữa xứ Mường heo hút.
Thiên tai và lời giải “nhân hòa”

Chỉ tay về phía bốn bề núi đá, trưởng thôn Đồng Ké Nguyễn Viết Đăng cho biết, địa thế hiểm trở, đất đai cằn cỗi, manh mún, nhỏ lẻ khiến canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không chỉ có vậy, việc sản xuất đã khốn nay còn khó hơn bởi thiên tai. Mùa khô, nơi đây thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất, trong khi mùa mưa, lũ rừng ngang sẽ nhấn chìm những bờ thửa.

Những tưởng cái nghèo, cái đói sẽ còn bủa vây dai dẳng xứ Mường này, nhưng sự đổi thay đã đến. Chỉ tay về phía những bờ thửa lúa đang xanh non mơn mởn, bà Nguyễn Thị Sáng (62 tuổi), người đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất này chia sẻ: Từ khi hệ thống thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con đã không còn phải lo lắng nhiều mỗi khi mùa mưa tới.
Ngày chúng tôi ghé thăm nơi đây cũng là những ngày cơn bão số 3 gây mưa lớn tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, những thửa ruộng nơi đây không bị ngập úng. Đó là nhờ có trạm bơm, bà con được cung cấp nguồn nước tưới đầy đủ từ hồ Đồng Sương. Bà Sáng cho hay: Nếu như trước đây, bà con chỉ cấy được 1 vụ Mùa, thì nay một năm, có thể canh tác tới 3 vụ! Nông nghiệp địa phương đã không còn chịu cảnh “đợi nước trời để cấy hái”.

Trong giai đoạn nông nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, rất nhiều những bước chân phải ân thầm rời xứ ra đi. Người ở lại “bới đất lật cỏ”, hoặc đi làm thuê, cuốc mướn ở mỏ đá để kiếm tìm kế sinh nhai. Giờ đây, nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc nơi đây đã được đa dạng hóa. Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng trăm đồng bào thôn Đồng Ké đã được đào tạo nghề mây giang đan. Nhờ hệ thống hạ tầng được nâng cấp, đến nay, trên địa bàn xã Trần Phú có tới 393 cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động giản đơn. Đồng bào dân tộc nơi đây nhờ đó cũng có thêm công ăn việc làm với mức thu nhập khá.

Trưởng thôn Đồng Ké Nguyễn Viết Đăng phấn khởi cho biết, nếu như trước đây đồng bào dân tộc nơi đây luôn loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì để mưu sinh, thì nay nguồn sinh kế đã được đa dạng hóa. Thu nhập của đồng bào không ngừng được cải thiện. Từ một bản Mường với tỷ lệ đói nghèo có thời điểm lên tới gần 30%, đến nay, tổng số hộ nghèo trong thôn đã giảm chỉ còn dưới 3%.

3 tỷ đồng để em nhỏ tung tăng đến trường

Hôm chúng tôi đến thăm trường Mầm non xã Trần Phú (điểm trường Đồng Ké), các cô giáo nơi đây đang chuẩn bị cho các cháu dùng bữa trưa. Bữa ăn tươm tất, không khác gì thực đơn cho trẻ nhỏ tại các trường nội đô. Bà Bùi Thị Thuyên - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Trần Phú cho biết, trước đây, khi chưa có điểm trường tại thôn Đồng Ké, các em nhỏ phải đi xa 7 - 8km để có thể đến trường. Đường đến trường quá xa, hễ trời mưa là lầy lội khiến các em nhỏ dân tộc dưới 5 tuổi gần như không thể đến trường. “Nếu TP không đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng điểm trường Đồng Ké, ước mơ được tiếp cận giáo dục đầu cấp của các em sẽ khó thành hiện thực...” - cô Thuyên cho biết.
 Trung tâm văn hóa làng Đồng Ké
Cùng với giáo dục, việc tiếp cận y tế của đồng bào dân tộc nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Chị Lê Thị Hiền, ở thôn Đồng Ké cho biết, trước năm 2016, mỗi khi ngã bệnh, người dân trong thôn phải di chuyển hàng chục cây số để đến trạm y tế gần nhất. Dù vậy, mới đây, TP đã ban hành cơ chế đặc thù cho phép bổ sung thêm cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Trần Phú (khu B). Nhờ chính sách ưu tiên đặc biệt đó, việc tiếp cận y tế của đồng bào cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Không chỉ giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây tiếp tục được nâng cao, nét truyền thống được gìn giữ, phát huy. Với sự hỗ trợ của huyện Chương Mỹ, người dân thôn Đồng Ké được cấp 12 bộ cồng chiêng và 30 bộ trang phục truyền thống. Những ngày mùa vui, lễ khai hạ đầu Xuân, ngày hội được mùa, bà con trong thôn bản lại tề tựu tại Nhà văn hóa thôn Đồng Ké được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng để ca múa hát, sinh hoạt cộng đồng… Bản sắc văn hóa dân tộc Mường của đồng bào không những không bị nhạt phai, mà còn được phát huy mạnh mẽ.

Đặc biệt, nằm giữa xứ Mường heo hút, những hủ tục rườm rà trong ma chay, cưới xin từng khiến chính những đồng bào dân tộc nơi đây phải vất vả, thì nay cũng đã được tinh giản tối đa. Bà Đinh Thị Phúc, một trong những già làng của thôn Đồng Ké đưa ra một ví dụ để minh chứng: Nếu như trước đây, một chàng trai khi muốn hỏi xin cưới một cô gái, phải chuẩn bị 1 con lợn nặng ít nhất 100kg, 3 thúng gạo, 1 con lợn úp thúng xôi, hai thúng trầu cau, thì nay những yêu cầu đó đã không còn là bắt buộc. “Với những gia đình đồng bào dân tộc nơi đây, chuyện bọn trẻ có yêu thương nhau hay không, giờ mới là điều quan trọng hơn cả…” - bà Phúc chia sẻ.

Hưởng lợi từ chính sách dân tộc

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, TP đã ban hành Kế hoạch số 166 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Thủ đô”. Thôn Đồng Ké (xã Trần Phú) là một trong những địa phương được thụ hưởng chính sách này.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, TP đã đầu tư cho thôn Đồng Ké hàng chục dự án với tổng kinh phí trên 98 tỷ đồng. Cùng với đó là gần 80 tỷ đồng đầu tư chung cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của xã Trần Phú, mà thôn Đồng Ké là một phần trong đó. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho vùng đất tứ bề núi đá này.

Chủ tịch UBND xã Trần Phú Đặng Đình Bình cho biết, là cán bộ địa phương kể từ ngày Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, đã có lúc ông nghĩ rằng, cái nghèo, cái đói sẽ còn đeo đẳng lâu dài người dân thôn Đồng Ké. Nhưng ánh sáng từ chính sách dân tộc của TP trong những năm qua đã thực sự mang tới diện mạo mới cho mảnh đất này. Thu nhập bình quân của người dân trong xã, bao gồm cả vùng đồng bào dân tộc thôn Đồng Ké ngày một nâng cao, hiện đạt xấp xỉ 38 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, xã Trần Phú là một trong những địa phương đầu tiên thuộc vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô về đích nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Trong thành tích chung đó, không thể không nhắc tới dấu ấn quan trọng từ sự phát triển của thôn Đồng Ké.

10 năm trên chặng đường phát triển, từ một xứ Mường heo hút với đời sống vô cùng khó khăn vất vả, vùng đồng bào dân tộc nơi đây đã thực sự thay da đổi thịt nhờ chính sách phát triển của TP Hà Nội; để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trên mặt trận chống đói nghèo và phát triển vùng đồng bào dân tộc.