Đổi thay ở An Phú

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Tây Nam huyện Mỹ Đức, An Phú từng thuộc diện thôn xã đặc biệt khó khăn. Dù vậy, với sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội, diện mạo xã miền núi nay đã có nhiều đổi thay tích cực.

Trong giai đoạn vừa qua, thông qua việc triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 166 của UBND TP về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi tại xã An Phú được đầu tư xây dựng ngày một hoàn thiện.
Cơ cấu kinh tế của xã dân tộc miền núi dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ và thương mại, giảm dần sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế xã An Phú tăng nhanh qua các năm, năm 2018 đạt tới 29%.
Xây dựng nông thôn mới ở xã An Phú đạt nhiều tiến bộ. Đến nay, địa phương đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là kết quả công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
 Hệ thống kênh mương thủy lợi được nâng cấp tại xã An Phú.
Theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay giảm chỉ còn khoảng 12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên trên 23 triệu đồng.

Kết quả trên có được bên cạnh nỗ lực của chính quyền và Nhân dân xã An Phú, còn nhờ vào
sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của TP thông qua việc đôn đốc, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc. Bên cạnh nguồn vốn lớn từ Kế hoạch số 166 và Kế hoạch số 138 tiếp nối, TP còn bố trí hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho xã An Phú thực hiện hàng loạt chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác.
Điển hình là chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 5844 về việc quy định mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ vùng khó khăn trên địa bàn Hà Nội; Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở hay Kế hoạch số 216 của TP về hỗ trợ chuyển đổi nghề…
Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Bá Minh, kết quả triển khai các chính sách dân tộc của TP đạt được rất lớn, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đời sống dân cư nơi đây. Song, thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương còn chậm và chưa rõ nét; chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tuy có giảm nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Cũng theo ông Minh, chính sách giảm nghèo chưa xây dựng được mục tiêu an sinh xã hội và phát triển sản xuất bền vững. Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc đã được quan tâm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là đào tạo nghề nông nghiệp đơn thuần, chưa đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng như các ngành nghề phi nông nghiệp (may mặc, cơ khí...). Đây là những vấn đề mà địa phương mong muốn TP, các sở ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, để xã An Phú có được những bước phát triển mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần