Đổi thay ở Bát Tràng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng việc thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, làng nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã hóa giải được bài toán ô nhiễm môi trường, trở thành một làng nghề kiểu mẫu của Hà Nội.

Một phân xưởng sản xuất tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Nga
Cải thiện môi trường nhờ công nghệ
Có lịch sử hàng nghìn năm và xây dựng được thương hiệu nổi tiếng trên thị trường nhưng Bát Tràng cũng từng được nhắc tới là điểm nóng về ô nhiễm, nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ quá trình đốt lò nung gốm. Theo chia sẻ của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Trần Đức Tân, trước đây, người dân làng nghề sử dụng lò nung truyền thống như lò ếch, lò bát đàn, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than.
Với kiểu lò này, mỗi mẻ gốm phải nung liên tục từ 6 - 8 ngày. Lao động phải làm việc hết sức nặng nhọc trong môi trường khói bụi, nóng bức; trong khi công nhân vận hành lò chỉ sử dụng kinh nghiệm, không thể làm chủ nhiệt độ cho phù hợp từng khâu. Do đó, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chỉ được khoảng 60%. "Không những thế, thời điểm đó, đi đến đầu làng Bát Tràng là đã thấy lấm lem bụi than, rất mất mỹ quan, kèm theo đó là mùi khói lò nồng nặc” – ông Tân nhớ lại.
Tuy nhiên, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, người dân Bát Tràng thay lò truyền thống sang lò nung gas và lò nung điện, bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề đã được hóa giải. Ông Hà Văn Lâm - Trưởng Ban đại diện Nhân dân làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, hiện nay, gần 100% cơ sở sản xuất ở Bát Tràng sử dụng lò nung gas và điện. Với kiểu lò nung mới này, mỗi mẻ gốm đưa vào nung chỉ hết 15 – 20 giờ, áp dụng tự động hóa, vận hành dễ dàng, kiểm soát nhiệt từ xa. Sản phẩm ra lò đạt trên 90% là loại 1, tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với công nghệ cũ. Đặc biệt, đã loại bỏ được 100% chất thải rắn, khói bụi, giảm 60% sức lao động trong môi trường độc hại.
Xây dựng làng nghề xanh gắn với du lịch
Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, kể từ khi sử dụng công nghệ mới, các sản phẩm ở Bát Tràng làm ra đẹp và chất lượng hơn. Đồng thời tác động tích cực đến môi trường và phát triển du lịch của làng nghề. Năm 2019, Bát Tràng đón nhận quyết định công nhận là điểm du lịch của Hà Nội. Địa phương đã được đầu tư quy hoạch tổng thể, đồng bộ về giao thông, kết nối hạ tầng, điện, nước, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm sứ… Bên cạnh đó, xã cũng chủ trương ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch thông minh. Hiện Bát Tràng đã xây dựng được Ứng dụng du lịch Bát Tràng; Cổng thông tin điện tử Bát Tràng; ứng dụng thuyết minh tự động. Cùng với đó, để khách hàng trải nghiệm wifi miễn phí tại các điểm đến trong làng nghề, Bát Tràng còn triển khai dịch vụ xe điện thông minh theo hình thức gọi theo ứng dụng, hay xe đạp thông minh gồm các ứng dụng chỉ đường.
Cũng theo ông Phạm Huy Khôi, với định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất xanh, trong thời gian tới, Bát Tràng sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế như gas, điện hoặc năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Do đó, để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế rất cần sự quan tâm của Nhà nước, tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi, mặt bằng sản xuất…
Mấy năm gần đây, mỗi năm Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách đến tham quan du lịch và mua sắm sản phẩm, trong đó có khoảng 20% khách quốc tế. Tổng doanh thu hàng năm của Bát Tràng ước đạt 1.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 63 triệu đồng/người/năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần