Đối thoại cùng trẻ để kiến tạo giao thông an toàn

Tống Thị Như Hiển (Phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên tham gia giao thông cần di chuyển an toàn và trở về nhà bình yên. Bởi, gia đình là tế bào xã hội nên lấy gia đình làm đối tượng chính để giáo dục về ATGT là tất yếu.

Đối tượng dễ bị tổn thương
Mới đây, vào trung tuần tháng 8/2017, tại phố Nguyễn Quang Bích, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm đã xảy ra vụ TNGT thương tâm khiến một bé trai tử vong. Vào thời điểm trên, cháu Dương Gia M. (19 tháng tuổi, trú tại phố Nguyễn Quang Bích) đang chơi đùa cùng anh trai ngoài đường đã không may bị xe ô tô BKS 29A-190.90 va quệt trúng. Sau cú va chạm, cháu M. ngã ra đường và được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu đã tử vong.

Trẻ em mầm non trong giờ ngoại khóa về ATGT.

Những câu chuyện đau lòng tương tự như thế sẽ còn xảy ra nếu người lớn không có những biện pháp bảo vệ trẻ em hữu hiệu. Theo TS Vũ Anh Tuấn - Trung tân Nghiên cứu GTVT Việt Đức, trường Đại học Việt Đức, trẻ em, đặc biệt với học sinh THPT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi TNGT. Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này là 32,5/100.000 trẻ, cao gấp 8 - 9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển.

Kết quả phân tích mẫu quan trắc video quay ở 15 cổng trường học cho thấy, trẻ em tiểu học đi bộ và xe đạp đến trường rất khiêm tốn, trong khi trường học thường rất gần nhà. Chỉ có khoảng 5 - 6% trẻ em cấp THCS, THPT đến trường bằng xe đạp/xe máy điện (đa phần tự lái), trong khi hơn 50% đến trường bằng xe máy, trong đó trên 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi. Tỷ lệ không đội mũ bảo hiểm của trẻ em rất cao.

Tự chủ động lưu thông an toàn

Mỗi gia đình Việt Nam hiện đại thông thường gồm 3 thế hệ: Ông bà, cha mẹ và con cái. Thế hệ ông bà là những người từng trải và gương mẫu, ý thức ATGT rất cao. Còn các bậc cha mẹ là thế hệ trưởng thành, đã và đang tham gia chấp hành luật giao thông. Ngược lại, con cái vẫn trong quá trình hình thành nhân cách và nhận thức. Trên nền tảng đó, muốn thế hệ tương lai am hiểu về giao thông cần thiết được giáo dục thường xuyên, liên tục.

Thực tiễn, hàng loạt câu hỏi của trẻ nhỏ như: “Làm sao để qua đường an toàn tại các cổng trường không có đèn tín hiệu”, “Tại sao khi đi xe máy lại phải đội mũ bảo hiểm”, “đường không có vỉa hè, vỉa hè bị lấn chiếm, chúng con phải đi như thế nào?”… vẫn vô hình trung rơi vào... im lặng. Nguyên nhân là bởi: Sự bận rộn của người lớn hay gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” khiến các bậc làm cha làm mẹ không có nhiều thời gian trò chuyện cùng con. Tư duy người lớn thường mặc định những câu hỏi đó chưa thực sự cần thiết. Hoặc quan tâm hơn cũng chỉ dừng lại ở mức độ “con hỏi các thầy cô giáo nhé”...

Ông bà, cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu gần gũi nhất cho trẻ nhỏ. Chỉ với 15 - 30 phút cùng con cái tham gia giao thông an toàn cũng có thể nâng đỡ cả một tương lai. Những bài học lý thuyết “khô cứng” là chưa đủ, mà còn cần những phương pháp giảng dạy mang tính “thực tiễn” cao. Khi cùng nhau ra đường, hãy cùng bé đứng đợi đèn báo cho người đi bộ, chỉ rõ đâu là dành cho người đi bộ băng qua đường. Dẫn bé đến vạch dành cho người bộ hành, vừa nói vừa diễn giải tất cả những âm thanh cũng như dấu hiệu liên quan đến sự cho phép đi hay không. Cùng bé tập đi qua đường nhiều lần, nhắc nhở phải cẩn thận vì những hậu quả của việc bất cẩn hoặc không tuân thủ luật lệ giao thông rất đau lòng.

Ngoài các trải nghiệm cùng người thân trong gia đình khi tham gia giao thông, các bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên cũng góp phần lớn định hình ý thức của trẻ nhỏ. Nhà trường nên khuyến khích các chương trình ngoại khóa về mô hình thu nhỏ TP giao thông. Tại đây, học sinh được đóng vai CSGT, người tham gia giao thông cùng xử lý các trường hợp giao thông có thể xảy ra và hướng dẫn xử lý tình huống. Bằng phương pháp trực quan sinh động sẽ giúp trẻ tiếp thu và hào hứng hơn trong việc học tập về luật ATGT. Có như vậy, trẻ nhỏ mới hiểu rõ, ghi nhớ và áp dụng để giữ ATGT cho mình. Ngoài ra, khi hiểu biết kỹ về giao thông, bé sẽ tự tin khi ra đường và cẩn trọng hơn với tính mạng, sự an toàn của bản thân.

Mỗi năm, ở Hà Nội, cuộc sống của hàng trăm gia đình bị đảo lộn nghiêm trọng khi mất đi những đứa trẻ, người thân trong gia đình do TNGT đường bộ có thể phòng tránh được. Hành vi cá nhân của chính các em nhỏ như lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện cá nhân với tốc độ “như bay”… đang ở con số đáng báo động.

Ông Jesper Moller - quyền Trưởng đại diện của UNICEF

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần