Đối thoại Shangri - La lần thứ 16 và bước lùi của Trung Quốc

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri - La quy tụ bộ trưởng và quan chức quốc phòng cao cấp của hàng chục quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương lẫn châu Âu diễn ra 3 ngày (2 - 4/6) tại Singapore với kỳ vọng mở ra con đường cải thiện an ninh khu vực.

Theo đơn vị tổ chức, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đối thoại lần thứ 16 này quy tụ đại biểu từ hơn 50 quốc gia so với con số trên 30 nước năm 2016.

 

An ninh khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông được dự đoán tiếp tục là vấn đề nóng trên bàn nghị sự Đối thoại. Tuy nhiên, tại sự kiện năm nay, những quan tâm này được đẩy cao do biến chuyển khốc liệt tại các khu vực biển trên trong vòng một năm qua. Tình trạng quân sự hóa đảo tranh chấp và đảo nhân tạo đang ngày càng tấp cập, trong khi nguy cơ va chạm trên biển gia tăng. Những cơ chế giữa Trung Quốc và ASEAN liên quan vấn đề an ninh hàng hải được bàn bạc, xem xét mở rộng như Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hay Quy tắc tránh các va chạm bất ngờ trên biển (CUES)…

Trên mặt trận ngoại giao và quốc phòng, chính sách, hay ít nhất là thái độ của nhiều quốc gia có sự điều chỉnh lớn. Đáng nói nhất là những động thái của chính phủ Hoa Kỳ, quốc gia từ lâu đóng vai trò trụ cột bảo an cho khu vực. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ John McCain kêu gọi tiến hành tập trận hải quân đa quốc gia quy mô lớn trên Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Đồng thời, sự xuất hiện bất ngờ của khu trục hạm USS Dewey ngày 25/5 trong bán kính 6 hải lý quanh đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam), nơi Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa trái phép đã tạo luồng dư luận mới. Theo tờ The Straits Times, nhiều khả năng chính sách an ninh của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được tăng cường. Động thái của tàu khu trục USS Dewey được mô tả là sự thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay là cơ sở chứng minh cho quan điểm này. 

Do đó, bài phát biểu trong sáng nay (3/6) của Tướng James Mattis, một tướng lĩnh kiêm học giả về hưu được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lựa chọn làm người đứng đầu Lầu Năm Góc được hy vọng sẽ phác họa toàn cảnh chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Hoa Kỳ đối với châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh Hoa Kỳ, giới quan sát cũng chờ đợi những tuyên bố mạnh mẽ của Nhật Bản về vấn đề an ninh biển tại Đối thoại lần này. Việc Thủ tướng Nhật Bản điều chỉnh hiến pháp cho phép quân đội nước này tích cực trong các hoạt động quốc tế thực sự đã giải phóng sức mạnh quân sự của nước này. 

Trái lại, Trung Quốc chỉ cử Viện phó Viện Khoa học quân sự, Trung tướng Hà Lôi, làm trưởng đoàn dự Shangri - La 2017 và dĩ nhiên đại diện nước này không tham gia phát biểu trong các phiên toàn thể. Theo các chuyên gia, thay vì tích cực đóng góp vào Shangri - La, Trung Quốc đang chuyển sang thúc đẩy Hội nghị an ninh riêng mang tên Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum), diễn ra 2 năm/lần vào mùa thu (bắt đầu từ năm 2014). Việc mở diễn đàn riêng cho phép Bắc Kinh quyết định chủ đề để bàn luận hay chọn lảng tránh vấn đề nào.