Đối thoại về Nghị định mới trong kinh doanh ô tô: Tranh cãi “nảy lửa”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chính phủ nhận thấy cần lắng nghe thấu đáo hơn để xem xét lại những vấn đề liên quan. Sau đó, có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nguyên tắc các chính sách của Việt Nam và các thông lệ của quốc tế”.

Đó là điều được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp với đại diện các Hiệp hội, DN và các đại sứ quán về việc thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP tổ chức ngày 26/2.
Thêm thủ tục, không phù hợp quốc tế

Nghị định 116 được Chính phủ ban hành ngày 17/10, có hiệu lực đầu tháng 1/2018 đã siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu, như về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải, an toàn giao thông... Các quy định chặt chẽ của Nghị định này, cộng với Thông tư 03 hướng dẫn vừa được Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, đã gần như "sập cửa" đối với việc nhập khẩu xe. Các DN nhập khẩu cho rằng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây ra sự chồng chéo trong quy trình, làm rườm rà thêm các thủ tục hành chính không cần thiết.
Khách tham quan, tìm hiểu mẫu xe nhập khẩu tại một triển lãm ở Hà Nội. Ảnh:  Phạm Hùng 
Nghị định quy định, DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. “Đây là yêu cầu rất khó vì đa số các DN đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam” - đại diện một số DN nhập khẩu phản ánh.

Bên cạnh đó, Nghị định yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho cùng chung dòng xe, đơn hàng, các DN ô tô không thể tuân thủ được quy định này. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc đáp ứng yêu cầu mới tốn rất nhiều thời gian, ước tính cần tới 2 tháng và chi phí khoảng 10.000 USD phát sinh cho việc thử nghiệm một kiểu, loại xe trong từng lô hàng.

"Yêu cầu kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng gây cản trở nhất định tới DN kinh doanh. Tuy nhiên việc kiểm định theo từng lô có ảnh hưởng đến giá bán, nhưng không như đa số mọi người nghĩ bởi trên thực tế, việc kiểm định từng lô vô cùng đơn giản, không phải chạy thử 3.000 - 5.000 km. Họ lấy một chiếc chạy thử một quãng đường vài trăm mét, rồi kiểm định khí thải, tổng chi phí 30 triệu đồng. Thời gian chờ chỉ nằm trong khoảng 2 tuần tới một tháng. Đối với những hãng xe về mỗi lô hàng trăm, hàng nghìn xe, chi phí cộng vào giá bán không đáng kể. Ảnh hưởng nhiều nhất chỉ là nhóm nhỏ những mẫu xe dành cho số ít, như Rolls-Royce, Bentley hay Lamborghini. Nhưng với người mua những loại xe đắt tiền này, việc tăng vài chục triệu đồng không tạo nhiều trở ngại." - Giám đốc Điều hành mảng kinh doanh xe du lịch của Mercedes-Benz Việt Nam Choi Duk Jun


"Mỗi chính sách mới cần đảm bảo, thứ nhất, mở rộng thị trường xây dựng nền công nghiệp ô tô mạnh mẽ; Thứ hai là chính sách thuế tạo cạnh tranh trong bối cảnh thị trường còn nhỏ bé. VAMA mong muốn có thêm chính sách thuế để giảm khoảng cách giữa các nhà sản xuất ô tô; Thứ ba phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ." - Đại diện Hiệp hội 

Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)

"Chúng tôi mong muốn quy định của Chính phủ cần rõ ràng hơn, thống nhất hơn để các nhà nhập khẩu hiểu hơn. Nghị định và Thông tư cũng tạo sự khác biệt giữa nhà sản xuất, kinh doanh và nhập ô tô trong nước. Do đó, chúng tôi mong muốn tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại và làm rõ ràng hơn để chúng tôi có thể hiểu hơn, chuẩn bị và thực hiện” - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng Nghị định 116 cần được tạm hoãn thi hành: "Để DN và chúng tôi có thời gian tham vấn và chuẩn bị cho việc thực hiện, các quy định của Nghị định cần xem xét phù hợp với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)".

Việt Nam không bảo hộ sản xuất trong nước

Trong khi đó, xung quanh những quy định này, có ý kiến ủng hộ khi cho rằng các quy định tại Nghị định 116 phù hợp và hoàn toàn có thể thực hiện được. Mục tiêu và tác động tích cực của Nghị định là thúc đẩy DN đầu tư dài hạn phát triển ngành ô tô trong nước, cân đối nguồn cung xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, nâng cao chất lượng ô tô và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương cho rằng, bản thân các DN sản xuất trong nước đã phải thực hiện quy định về giấy chứng nhận kiểu loại từ năm 2016. “Khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu điều kiện về xe lắp ráp trong nước chúng tôi đã có giấy chứng nhận kiểu loại. Chúng tôi đã làm Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và có chứng nhận của KIA Hàn Quốc, Peugeot Pháp... Mới đây, tháng 8 chúng tôi nhận được thư ngỏ cho BMW, từ tháng 11 đến nay chúng tôi đã có chứng nhận kiểu loại của hãng xe này cho đơn vị phân phối là chúng tôi” - ông Dương chia sẻ đồng thời khẳng định “Việc thực hiện này không có khó khăn gì. Theo tôi hiểu, ở châu Âu có quy định này, quy định của các hãng nói trên từ 100 - 200 trang. Giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, chứng thực các tính năng của cơ quan chính quyền không phải bằng phương pháp quảng cáo marketing của các thương hiệu”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức nhấn mạnh, ở Việt Nam chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng của Việt Nam thì chất lượng là yêu cầu trên hết. Do đó, giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc. Đại diện Hyundai Thành Công cho biết, DN có thể mang đến các cơ quan thử nghiệm lớn, ở đây đa phần là xe từ các nước ASEAN nên sẽ có trung tâm thử nghiệm tại Indonesia và Malaysia.

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Một số chuyên gia cũng nhận định, quy định mới này dường như là con bài "giải cứu" cho xe nội, ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam năm 2018.

Tuy nhiên, các đơn vị lắp ráp trong nước cũng không tán thành với quan điểm Nghị định 116 gây mất công bằng giữa các DN. Các DN khẳng định Nghị định 116 không có quy định ưu đãi nào cho DN trong nước. DN cũng không xin ưu đãi.

Sau khi lắng nghe những ý kiến liên quan, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với tinh thần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người dân, DN, Chính phủ sẽ giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, đồng thời cũng đảm bảo các yêu cầu. Theo Bộ trưởng, Việt Nam là nước đang phát triển, chủ trương thống nhất là hội nhập sâu khu vực và quốc tế. “Song Việt Nam cũng cần có những bước đi của mình, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu xe ô tô sang Việt Nam nhưng cũng phải đảm bảo sản xuất chủ yếu cho thị trường trên 90 triệu dân. Không đặt vấn đề đưa Việt Nam trở thành thị trường ô tô của các hãng, các nước, tuy nhiên chúng tôi sẽ có lựa chọn, không có vấn đề bảo hộ tuyệt đa số với sản xuất trong nước, nhưng cũng cần có quan tâm một mức độ nào đó tới sản xuất trong nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Việt Nam sẽ phát triển một nền công nghiệp ô tô để từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, thay đổi bằng chính sách thuế chứ không phải chính sách hành chính, rào cản bất hợp lý. Vì vậy Chính phủ cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ đưa ra giải pháp cho từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03. Tinh thần là một Chính phủ hành động, phục vụ và sáng tạo. Thủ tướng giải quyết minh bạch các vấn đề chứ không phải nói rồi để đấy." - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng