Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/11, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội, Liên đoàn lao động TP Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại với hơn 300 DN về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các vấn đề liên quan đến tiền lương, việc làm, an toàn lao động.

 Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Trần Nga
Tại hội nghị, các chính sách mới về BHXH, BHYT, BHTN trong Nghị định 146 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/12/2018 đã được phổ biến đến các DN. Trong đó, các vấn đề về điều chức mức đóng BHXH, BHYT, lộ trình tham gia BHXH đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài, thủ tục chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT được nhiều DN đặt câu hỏi và được giải đáp. Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội đã hướng dẫn các DN cách đăng ký số điện thoại của NLĐ để từ đó có thể đăng nhập vào hệ thống BHXH Việt Nam nhằm tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm.

Chia sẻ về những vi phạm Luật BHXH mà các DN thường gặp phải, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra, BHXH Hà Nội Nguyễn Huy Quân dẫn chứng, thứ nhất, nhiều DN hiện nay đã không xây dựng thang lương, bảng lương, nhất là các DN nhỏ và vừa. “Khi xảy ra tranh chấp giữa NLĐ và cơ quan sử dụng lao động thì cơ quan chức năng sẽ lấy thang lương, bảng lương mà đơn vị gửi cho phòng lao động cấp quận, huyện để làm căn cứ xử lý, do đó việc nộp thang lương, bảng lương là bắt buộc với tất cả các DN” – ông Quân nhấn mạnh. Thứ hai, nội dung ghi trong hợp đồng lao động ở nhiều DN còn rất sơ sài. Trong khi đó, nhiều NLĐ lại không đọc lại trước khi đặt bút ký gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Thứ ba, với trường hợp NLĐ đã đóng BHXH ở cơ quan khác, đơn vị sử dụng lao động không ghi rõ trong hợp đồng lao động. Ông Quân lưu ý, những trường hợp như trên, chủ sử dụng lao động và NLĐ vẫn cần phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động trong tất cả các hợp đồng lao động, BHYT đóng theo mức lương cao nhất. Thứ tư, nhiều DN không chủ động kê khai, cập nhật danh sách NLĐ và điều chỉnh tiền lương theo quyết định của chủ DN hàng tháng dẫn đến tình trạng nhiều NLĐ tham gia bảo hiểm muộn hơn so với thời điểm ký hợp đồng. Ngoài ra, theo ông Quân, hiện cơ quan BHXH mới chỉ thanh tra đóng BHXH, việc thanh tra giải quyết chế độ cho NLĐ là của bên Sở LĐTB&XH nên một số trường hợp NLĐ còn bị bỏ sót quyền lợi. Do vậy, cơ quan bảo hiểm đang kiến nghị được mở rộng quyền thanh tra giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ.

Với các ý kiến, phản hồi của DN, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, BHXH Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận và xử lý. Thông qua buổi đối thoại, BHXH Hà Nội kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của chủ DN trong thực hiện Luật BHXH, BHYT. Đồng thời, giải đáp và chia sẻ những vướng mắc của NLĐ trong quá trình tham gia bảo hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần