Đổi tiền lẻ: Ngân hàng khan hiếm, chợ đen bội thu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân lại tăng cao.

Trong khi các ngân hàng kêu khó cung ứng nguồn tiền lẻ, thì tại các điểm đổi tiền trên thị trường chợ đen vẫn có đầy đủ nguồn cung.
Ngân hàng khó cung ứng
Cả tuần nay, bà Thanh, ở Hoàng Mai, Hà Nội, ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm người em dâu xem đang làm việc tại Ngân hàng An Bình đã đổi được tiền mới cho bà chưa. Lần nào cũng nhận được câu trả lời: “Chưa biết khi nào có”. Bà Thanh cho biết, định đổi trên dưới 10 triệu đồng gồm các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000 và 100.000 đồng để lì xì đầu năm cho con cháu, còn các mệnh giá nhỏ để dành đi lễ chùa những ngày Tết.
Xác nhận tình hình này, theo chị Dung, nhân viên Eximbank, phòng giao dịch nơi chị công tác cũng đã thấy nhiều người đến hỏi đổi tiền mới nhưng đành phải ra về tay không. “Bọn em không có tiền lẻ đổi cho khách vãng lai, mà chỉ có chính sách đổi tiền lẻ cho những khách hàng gửi tiền tiết kiệm lớn, song số lượng cũng rất hạn chế. Riêng với tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống thì hoàn toàn không có để cung ứng”, nhân viên một ngân hàng trên phố Xã Đàn cho biết.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, năm nào cũng vậy, nhu cầu của người dân đổi tiền lẻ tăng rất cao, tuy nhiên quỹ tiền lẻ của các ngân hàng đều có giới hạn, không thể đáp ứng.
Vin cớ cấm, chênh lệch càng cao
Theo các chuyên gia, hạn chế in thêm tiền lẻ mới mà ưu tiên sử dụng tiền lẻ cũ là một giải pháp đúng đắn. Vì điều này vừa đỡ gây lãng phí, vừa tận dụng hết được lượng tiền lẻ cũ từ các năm trước để lại. Tuy vậy, khi ngân hàng từ chối đổi tiền lẻ thì các dịch vụ vin vào cớ này, thi nhau hét giá. Tỷ lệ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ cũng được “đẩy” lên, từ mức “10 ăn 8” lên mức “10 ăn 6”, thậm chí là “10 ăn 5” tùy từng mệnh giá. Cụ thể, với tiền mệnh giá 500 đồng thì cứ 100.000 đồng đổi được 50.000 đồng. Mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng: 100.000 đồng đổi được 70.000 đồng. Mức 5.000 đồng và 10.000 đồng: 100.000 đồng đổi được 80.000 đồng. Tiền 20.000 thì “ưu ái” là 100.000 đồng lấy 90.000 đồng.

Một trang web trực tuyến đổi tiền.

“Năm nào cũng vậy, tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng được đổi nhiều nhất nên giá chênh sẽ cao hơn. Hiện tại, giá chênh tờ 10.000 đồng là 20%, vài ngày nữa mà vẫn khan hàng thì giá lên tới 30%” – một người bán hàng mã nói. Đáng chú ý, tiền lẻ của những quán này thường được cất vào những túi nilon đen. Một trong những cách “lách” được một số hàng bán đồ cúng lễ thực hiện để đổi tiền lẻ cho khách là mời khách hàng mua đồ rồi trả lại bằng tiền mệnh giá nhỏ.
Trong khi đó, hàng loạt trang đổi tiền lẻ trực tuyến nở rộ. Chỉ cần vào trang google và gõ các từ khóa “Đổi tiền lẻ - tiền lì xì Tết 2017”, lập tức hàng loạt website xuất hiện với những lời rao rất hấp dẫn: “Đổi tiền lẻ giá rẻ Hà Nội 2017  - Hotline: 0936.277.5xx”, "Đổi tiền mới phí thấp nhất Sài Gòn - Hà Nội 090.753.20xx “Tiền lì xì độc Tết Đinh Dậu, Chuyên cung cấp sỉ - lẻ giá tốt”, “Dịch vụ đổi tiền uy tín - nhanh chóng - an toàn, giao số lượng lớn cho công ty -DN (Trích % cho người giới thiệu)”…, với các lời cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền mới, thật, trùng seri và đặc biệt là chi phí đổi thấp.
Theo Nghị định 96/NĐ - CP của Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức xử phạt đổi tiền lẻ trái phép lên tới 20 - 40 triệu đồng, các lực lượng kiểm tra, xử phạt gồm công an, quản lý thị trường, thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tích cực xử phạt thì điều quan trọng là tạo thói quen sử dụng tiền lẻ văn minh, thay đổi thói quen sử dụng tiền nhỏ đi lễ chùa của người dân.
Không chỉ đổi tiền mệnh giá nhỏ trong nước, thị trường còn sôi động với các loại tiền USD trị giá 1 USD và 2 USD, đặc biệt là tờ tiền 2 USD in hình gà được bán chạy nhất. Theo niêm yết của một số website bán tiền lì xì trong nước, giá tiền USD có in hình gà được bán ra với giá cao gấp 5 - 10 lần giá trị thực.