Đội trưởng P6/C45 chỉ ra nguyên nhân trẻ bị xâm hại

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 7/12, tại hội thảo Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) – từ luật pháp, chính sách đến thực tiễn, Đội trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Khổng Ngọc Oanh cho biết: Số vụ XHTDTE luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số vụ trẻ em bị xâm hại nói chung.

Ông Ngọc Oanh thông tin, năm 2016, cả nước phát hiện 1.641 vụ/1.807 đối tượng, xâm hại 1.627 em. Trong đó, XHTDTE là 1.248/1.267 đối tượng, xâm hại 1.211 em, chiếm 76,5% số vụ xâm hại trẻ em nói chung. 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện 696 vụ XHTDTE/716 đối tượng, xâm hại 710 em. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 43 vụ = 7%, 65 đối tượng = 8% và 21 nạn nhân = 3%.
Đối tượng XHTDTE thường có độ tuổi từ 17 đến 40. Có vụ, đối tượng hơn 50 tuổi, thậm chí trên 70 tuổi. Các đối tượng XHTDTE chủ yếu làm nghề tự do, thất nghiệp. Một số đối tượng có nghề nghiệp đã lợi dụng công việc để xâm hại trẻ em như: giáo viên, huấn luyện viên thể thao. Hầu hết họ có lối sống gấp, sa đoạ, biến thái, muốn hưởng thụ, thiếu tu dưỡng rèn luyện.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Một số đối tượng có kỹ năng và kiến thức chuyên môn về internet đã lên mạng đi săn những em dễ dãi để làm quen, tiếp cận, dụ dỗ, rủ đi chơi và có hành vi XHTDTE.
Đội trưởng Ngọc Oanh chỉ ra 3 dạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Đó là nhóm em gái nhỏ, thậm chí dưới 10 tuổi, cơ thể chưa phát triển, không có khả năng tự vệ, ngây thơ bị các đối tượng dụ dỗ, cưỡng ép.
Những em gái đang phát triển, tầm tuổi từ 12, 13, 15, 16, có tâm lý muốn tìm hiểu cái mới, mải chơi, kết bạn làm quen trên mạng. Các em bị đối tượng lợi dụng, lừa gạt, cưỡng ép, giả vờ yêu, cho xem những hình ảnh nhạy cảm và doạ nếu không cho “quan hệ” thì tung lên mạng.
Những khu đô thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có tình trạng trẻ em nam hoàn cảnh khó khăn, từ các tỉnh đến mưu sinh (làm thuê, lang thang), bị đối tượng biến thái, đồng tính, người nước ngoài có hành vi lợi dụng, xâm hại tính dục đồng tính.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng XHTDTE không có gì mới, cao siêu. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng tự vệ của các em để dụ dỗ, như cho quà, hứa hẹn điều gì đó, rủ rê đi chơi, cho xem ấn phẩm khiêu dâm, đồi truỵ. Sau đó, đối tượng lợi dụng môi trường vắng vẻ để thực hiện hành vi XHTDTE.
Các đối tượng lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc, gần gũi với nạn nhân (cha con, cha dượng, ông cháu, hàng xóm láng giềng, thầy trò, quan hệ yêu đương). Khi các em không có ý thức trong khoảng cách, bảo vệ bản thân thì đối tượng có hành vi xâm hại tình dục.
Địa bàn vắng vẻ, dân cư thưa thớt, đặc biệt là những tỉnh miền núi, biên giới, vùng sông nước là nơi các đối tượng thực hiện hành vi cưỡng ép trẻ em.
Môi trường mạng, đặc biệt là zalo, facebook, viber được các đối tượng lợi dụng triệt để thực hiện hành vi XHTDTE.
Đội trưởng Khổng Ngọc Oanh chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến xâm hại trẻ em, gây bức xúc dư luận. Môi trường và phương pháp giáo dục công dân chưa theo kịp. Công tác giáo dục giới tính hầu như đã có trong các nhà trường nhưng còn mang tính hình thức. “Cô giáo dạy giáo dục giới tính cho học sinh nhưng mặt đỏ lên, làm sao có thể dạy được các em. Công tác giáo dục giới tính chưa đi vào chiều sâu nên không lôi cuốn được các em” – ông Oanh phân tích.
Không chỉ thế, “đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp ở một bộ phận người dân. Cộng với việc không am hiểu pháp luật cho nên kể cả những giáo viên, người có chức năng quản lý và nuôi dưỡng trẻ em đã cố tình trà đạp nên những giá trị cuộc sống, XHTDTE”- ông Oanh nhấn mạnh.
Trong khi ấy, công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. XHTDTE là vấn đề nhạy cảm, người Á Đông hay có tâm lý né tránh. Đặc biệt, vùng núi, biên giới xa xôi, nông thôn hẻo lánh, sông nước, các em và phụ huynh chưa có kỹ năng nhận biết nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Gia đình mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống; không hoàn thiện (ly hôn) nên phụ huynh ít quan tâm đến các em hoặc phó mặc cho ông bà, người thân cũng là một nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại tình dục...
Ngoài ra còn có nguyên nhân về bệnh lý. Nhiều đối tượng có bệnh lý về ấu dâm, loạn dâm nhưng không chịu rèn luyện, tu dưỡng nên không chế ngự được dục vọng thấp hèn, đồi bại nên có hành vi ấu dâm, loạn dâm với các cháu quá nhỏ tuổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần