Hình phạt nghiêm cho cha đẻ và mẹ kế hành hạ con

Đông Phong - Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng thống nhất thấy con có lỗi thì sẽ chịu phạt đòn roi, đôi vợ chồng 8x ăn năn, hối cải tại tòa. Nhưng, các bị cáo để lại hậu quả nặng nề về cả thể xác lẫn tinh thần cho cháu bé, TAND quận Cầu Giấy đã đưa ra phán xét nghiêm minh.

Ngày 31/8, TAND quận Cầu Giấy xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại quận Ba Đình) và bị cáo Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, vợ Nam) về tội danh “Hành hạ con” và “Cố ý gây thương tích”. Bị hại trong vụ án là cháu T. N. K. (SN 2008), con ruột của bị cáo Nam. Thời điểm phát hiện vụ việc cháu K. mới được 10 tuổi.
2 bị cáo tại phiên tòa.
Tại tòa, đại diện VKS cùng cấp thông tin cáo trạng của vụ án. Theo đó, tháng 4/2016, sau khi ly hôn chị Th. Ng. (SN 1983), Nam kết hôn với Trinh và về ở tại nhà bố mẹ đẻ của Nam trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình. Khoảng tháng 5/2017, Nam và Trinh chuyển ra ở trọ tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Thời gian này, Nam và Trinh là những người trực tiếp có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu K. Tuy nhiên, 2 bị cáo không làm tròn nghĩa vụ chăm sóc khi thường xuyên chửi mắng, đánh đập gây đau đớn về thể xác, tinh thần cho cháu K.
Cáo trạng nêu rõ, cháu K. đang ở độ tuổi cần được đến trường học tập, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa nhưng Nam và Trinh đã bàn bạc, thống nhất để cháu K. ở nhà, không cho đi học trong thời gian dài, làm cản sự phát triển bình thường về nhận thức và tâm lý của cháu. Bên cạnh đó, khi thấy K. nghịch ngợm, không nghe lời, 2 bị cáo không hướng dẫn, chỉ bảo lại áp dụng phương pháp phản giáo dục, trái đạo đức xã hội.
Cụ thể, cháu K. đã phải chịu hình phạt uống nước mắm, phạt đứng ngoài ban công hàng giờ đồng hồ, cho ngủ ngoài phòng khách hoặc dưới nền nhà. Khi 2 người cùng đi vắng thì khóa cửa để mặc cháu K. ở bên trong. Đáng chú ý, người cha đẻ và mẹ kế này đã nhiều lần dùng chân, tay, muôi inox, roi bằng nhôm (các mắc áo ghép) lại rồi đánh, khiến khắp trên cơ thể cháu K. đầy những vết thương. Cáo trạng xác định, tổn hại sức khỏe của cháu K. do chính bố đẻ mình gây ra là 22%, còn người mẹ kế trực tiếp đánh đã khiến cháu tổn hại 3%.
Tại phần luận tội đại diện VKS nêu quan điểm, 2 bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của nhân chứng, bị hại và các biên bản điều tra. Do đó, đủ cơ sở khẳng định hành vi của bị cáo Nam và Trinh phạm tội đúng theo 2 tội danh nêu trên. Đối với vai trò phạm tội trong vụ án, 2 bị cáo cùng thống nhất việc giáo dục con bằng đòn, roi. Bị cáo Trinh là người giám sát, nếu phát hiện cháu K. có lỗi sẽ thông báo cho bị cáo Nam để hành hạ. Bị cáo Nam ngoài nhận thông báo của vợ cũng tự phát hiện cháu K. có lỗi và tiến hành hành hạ con. Bị cáo Nam đánh con mình với tần suất khoảng 1, 2 lần/ tuần. Theo đại diện VKS, cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để cải tạo…
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Hoài Nam xin lỗi gia đình vì những gì mình đã gây ra cho con trai. Qua bài học của mình, bị cáo Nam mong muốn những người làm cha, làm mẹ không vấp phải sai lầm để phải ăn ăn, hối cải như mình. Về phần mình, bị cáo Phạm Thị Tú Trinh cũng gửi lời xin lỗi gia đình, xin lỗi gia đình cháu K. và hứa sẽ sửa chữa những sai lầm…
Sau thời gian nghị án, tòa đã tuyên phạt nghiêm minh các bị cáo. Theo đó, bị cáo Trần Hoài Nam bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”; 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Hành hạ con”; tổng hình phạt 6 năm 6 tháng tù giam. Bị cáo Phạm Thị Tú Trinh bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”; 2 năm tù giam về tội “Hành hạ con”; tổng hình phạt 5 năm tù giam.
Về dân sự các bị cáo phải bồi thường 194 triệu đồng. Trước đó, do đã khắc phục hậu quả 60 triệu đồng, 2 bị cáo sẽ phải tiếp tục bồi thường 134 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần