Đội vốn, chậm tiến độ: Bài học đắt giá cho các dự án đường sắt đô thị

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/2, khi kiểm tra tiến độ các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT): Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: “ĐSĐT có vai trò rất quan trọng đối với quyết tâm kéo giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội, nhưng hiện cả 2 dự án đều đã chậm so với tiến độ đề ra”.

Nhiều khó khăn phát sinh
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được ưu tiên phát triển ĐSĐT để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông (UTGT). Thế nhưng, thực tế quá gian nan, không chỉ phải trả giá bằng những chi phí phát sinh khổng lồ, Thủ đô còn phải trả giá bằng cả những năm tháng đằng đẵng chung sống với công trình dang dở và biết bao nhiêu hệ lụy xã hội khác. Tháng 10/2011, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công với kỳ vọng năm 2016 sẽ đi vào vận hành, nhưng rồi phải điều chỉnh theo dự kiến đầu 2018 mới chính thức được khai thác thương mại. Tương tự, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, bắt tay vào xây dựng từ tháng 9/2010, và thời điểm mới nhất ước tính có thể vận hành là năm 2021, chậm 4 năm so với kế hoạch đề ra. Chưa hết, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau điều chỉnh vào tháng 2/2016 đã đội vốn thêm hơn 330 triệu USD; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì cần thêm tới gần 400 triệu EUR vốn đầu tư bổ sung.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2 bên phải) nghe báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Yến Dư

Nhìn nhận một cách thẳng thắn vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Chúng ta quá thiếu kinh nghiệm xây dựng ĐSĐT, khi lập dự toán, phương án thiết kế, thi công đã không lường hết được những khó khăn phát sinh trong nhiều hạng mục, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng và thời gian huy động vốn”. Lâu nay, không chỉ ĐSĐT mà cả những công trình hạ tầng giao thông khác của Hà Nội nói chung đều phải “vật lộn” với những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Không ngoa khi nói giải phóng mặt bằng đang “ghìm chân” hạ tầng, là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông của Thủ đô sa lầy trong tình trạng chậm tiến độ kéo dài đến mức mệt mỏi. Đến nay, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội vẫn đang phải tiếp tục giải quyết vướng mắc về mặt bằng tại các ga: Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Trần Hưng Đạo, không chỉ với phần đất thổ cư bên trên mà cả với việc di dời hạ tầng ngầm bên dưới.
Hệ lụy tứ bề
Được coi là xương sống của mạng lưới giao thông công cộng, kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của vận tải khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Thế nhưng cái lợi vẫn còn ở xa trong khi Hà Nội đang phải chung sống với những bất cập, thậm chí là hiểm nguy từ công trình ĐSĐT. Tuyến Cát Linh - Hà Đông từ khi khởi công tới nay đã xảy ra ít nhất 3 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng. Chính vì thế nên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong cuộc thị sát công trình đã phải nhắc đi nhắc lại với nhà thầu và đơn vị thi công: “Bằng mọi giá phải đảm bảo 3 yếu tố an toàn. Đó là an toàn cho người lao động, an toàn cho kết cấu công trình và đặc biệt là an toàn cho người dân lưu thông bên dưới công trình”.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, năm 2016 toàn TP giảm được 20 điểm UTGT nhưng phát sinh trở lại 17 điểm, trong đó có 13 điểm nằm trên lộ trình xây dựng 2 tuyến ĐSĐT nêu trên. Và chừng nào công trình còn chưa được hoàn thiện thì tình trạng UTGT này sẽ còn tiếp tục kéo dài, gây khó khăn cho việc tổ chức giao thông của từng khu vực nói riêng và cả TP nói chung.
Trước những khó khăn và áp lực giao thông đang gia tăng từng ngày trên địa bàn Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo rất quyết liệt: “Dự án Cát Linh - Hà Đông đang sắp hoàn thành, càng phải tập trung quyết liệt. Bộ Xây dựng với tư cách Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phối hợp chặt chẽ, công trình làm xong đến đâu nghiệm thu đến đấy, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện công việc. Với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, TP cần chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh công tác thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ kịp thời báo cáo Chính phủ với các vấn đề vượt thẩm quyền”.
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có chiều dài 13,05km đi trên cao gồm có 12 nhà ga và 1 khu đề pô rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đến nay, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, Dự kiến cuối tháng 9 tới sẽ đưa vào chạy thử toàn hệ thống trong vòng từ 3 - 6 tháng.
 Tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Đến nay, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu; tổ chức triển khai thi công được khoảng 30% khối lượng. Hiện tiến độ dự án đã được thúc đẩy và có nhiều chuyển biến tích cực, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần