Dồn điền đổi thửa: Đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Hà Nội đã lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để triển khai.

3 huyện chưa hoàn thành
Theo kế hoạch, toàn TP dự kiến dồn điền đổi thửa trên 75.980ha đất nông nghiệp tại 18 huyện, thị xã. Để thực hiện được mục tiêu trên, Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho từng địa phương, tập trung đôn đốc và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai theo quy định pháp luật. Thống kê đến tháng 7/2020, toàn TP đã dồn điền đổi thửa được khoảng 79.455ha, đạt gần 105% kế hoạch ban đầu đặt ra. Diện tích dôi dư sau dồn điền đổi thửa là gần 1.837ha, hiện đang được các địa phương sử dụng vào các mục đích xây dựng công trình phúc lợi xã hội.
 Áp dụng máy móc vào canh tác lúa trên diện tích đã được dồn điền đổi thửa tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Công Hùng
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, đã có nhiều địa phương dồn điền đổi thửa đạt kết quả vượt cao so với kế hoạch của TP giao. Đơn cử, huyện Ba Vì vượt 1.083ha, Ứng Hòa 931ha, Phú Xuyên 452,6ha, Sóc Sơn 719ha, Thường Tín 244ha… Mặc dù vậy, trong số 18 huyện, thị xã có tổ chức dồn điền đổi thửa, hiện vẫn còn 3 địa phương chưa hoàn thành kế hoạch TP giao là Đông Anh còn 129,1ha, Gia Lâm còn 117,8ha và Mỹ Đức còn 27,9ha. Tổng diện tích chưa dồn điền đổi thửa của 3 địa phương nêu trên là 274,8ha.
Tập trung chuyển đổi sản xuất
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sau thành công của dồn điền đổi thửa, TP đã tập trung chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Kết quả chuyển đổi đến nay đạt gần 40.230ha, trong đó, mô hình lúa chất lượng cao đạt trên 15.677ha, nuôi trồng thủy sản 6.947ha, cây ăn quả 7.391ha…
Từ quỹ đất lúa sản xuất kém hiệu quả, tại các địa phương đã dần hình thành những vùng canh tác tập trung, xa khu dân cư, cho giá trị kinh tế vượt trội. Điển hình như vùng hoa, cây cảnh thuộc các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh… cho giá trị từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha; vùng cây ăn quả tại các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ… mang lại từ 0,5 – 1 tỷ đồng/ha; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai… cho doanh thu từ 1 – 2 tỷ đồng/ha…
Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc tập trung, tích tụ ruộng đất và cơ chế, chính sách khuyến khích hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khiến việc thu hút các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư vào nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị, Bộ TN&MT cần sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay.
Trong đó, cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất và cơ chế, chính sách thông thoáng, trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh.
Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc 3 huyện hoàn thành dồn điền đổi thửa đối với diện tích còn lại theo kế hoạch. Đồng thời, cấp bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng.
Cùng với dồn điền đồi thửa, TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển sản xuất. Đến nay, toàn TP đã cấp được 617.964/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 99,21% kế hoạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần